Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 614.738 ca tử vong trong tổng số 34.306.446 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 367.097 ca tử vong trong số 29.359.155 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 484.350 ca tử vong trong số 17.301.220 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 570 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 310 người và Bosnia-Herzegovina với 289 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện là tâm dịch của thế giới, với hơn 1,2 triệu ca tử vong trong hơn 34,7 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 53,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,14 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có hơn 625.000 ca tử vong trong hơn 34,8 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 528.200 ca tử vong trong hơn 38,1 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 145.700 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 134.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.100 người.
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận thêm 11 ca mắc, trong đó có 3 ca cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn, số còn lại đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay và đều ở tỉnh khác. Mặc dù đến nay Lào đã có nhiều ngày không ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng ở ngoài thủ đô Viêng Chăn, nhưng nước này vẫn phải đề phòng nguy cơ bùng phát dịch cao do tại thủ đô vẫn xuất hiện những trường hợp mắc COVID-19 mới nhưng chưa xác định được nguồn lây.
Hiện Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.990 ca nhiễm, trong đó có tới 1.932 người được ghi nhận từ giữa tháng 4/2021 đến nay và có 3 ca tử vong. Đã có 712.793 người tại nước này được tiêm 1 mũi vaccine (tương đương 9,7% dân số) và 385.921 người đã tiêm đủ hai mũi (tương đương 5,26% dân số).
Trong ngày 12/6, Thái Lan có thêm 3.277 trường hợp mắc COVID-19 - con số thống kê theo ngày cao nhất trong hơn một tuần qua khi tình trạng lây nhiễm chéo trong các nhà tù đang gia tăng. Ngoài ra, nước này cũng có 29 ca tử vong trong 24 giờ qua. Thủ đô Bangkok vẫn là tâm dịch của cả nước, với 858 trường hợp mắc bệnh trong 24 giờ qua.
Giới chức Thái Lan cho biết nước này đang xem xét loại bỏ dần quy chế cách ly miễn phí (do nhà nước đài thọ) đối với các công dân Thái Lan từ nước ngoài trở về. Theo kế hoạch này, từ ngày 1/7 tới, các công dân Thái Lan từ nước ngoài trở về sẽ phải tự chi trả chi phí ăn ở trong thời gian cách ly 14 ngày theo quy định, nhưng sẽ được chính phủ thanh toán các chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe trong thời gian này.
Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này ghi nhận có thêm 5.793 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc căn bệnh này trên toàn quốc lên 652.204 người. Trong số các bệnh nhân nêu trên, có tới 5.787 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 76 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 3.844 người.
Tại Philippines, đã có 8.027 trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.308.352 người. Số ca tử vong hiện cũng đã là 22.652 người, sau khi có thêm 145 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.
Truyền thông Saudi Arabia đưa tin nước này sẽ cho phép 60.000 người dân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này được phép tham dự cuộc hành hương thường niên. Theo chính quyền Saudi Arabia, cuộc hành hương năm nay sẽ "mở cửa cho các công dân và cư dân tại vương quốc, ở mức giới hạn là 60.000 người hành hương. Những người muốn tham gia hành hương phải đáp ứng các điều kiện như: không mắc các bệnh mãn tính, đã được tiêm chủng và ở trong độ tuổi từ 18 đến 65.
Iran cũng báo cáo 7.444 trường hợp mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này 3.020.522 người. Đại dịch cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của 81.911 người ở Iran, trong đó có 115 người trong 24 giờ qua. Tính đến ngày 12/6, đã có 4.305.242 người ở nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó 802.594 người đã tiêm đủ cả hai liều.
Trong khi đó, Canada cho biết sẽ đóng góp 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp. Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến chính thức đưa ra thông báo này vào ngày 13/6, khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Vương quốc Anh. Việc đóng góp số vaccine trên của Canada sẽ là một phần trong cam kết của các nhà lãnh đạo G7 về việc cung cấp tổng cộng ít nhất một tỷ liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia khác.
Hầu hết các khoản đóng góp của G7 sẽ được gửi tới COVAX, sáng kiến toàn cầu nằm đảm bảo các nước được tiếp cận công bằng với vaccine. Mỹ có kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và tặng phần lớn cho COVAX, phần còn lại sẽ được chuyển đến các quốc gia có nhu cầu trong năm tới. Vương quốc Anh sẽ đóng góp 100 triệu liều cho COVAX bắt đầu từ tháng 9 tới, bằng cách "chuyển hướng" nguồn cung cấp mà nước này đã đặt hàng nhưng không cần đến nữa.
Tại châu Âu, chính quyền thủ đô Moskva (Nga) đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế do tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng xấu đi tại thành phố này trong tuần qua. Cụ thể, chính quyền thành phố Moskva khuyến cáo các cơ quan, tổ chức chuyển ít nhất 30% số nhân viên sang làm việc từ xa, trong đó bao gồm những nhân sự trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền (ngoại trừ những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19).
Ngoài ra, các nhà hàng, quán cà phê, quán bar, vũ trường, các câu lạc bộ ban đêm ngừng hoạt động từ 23h đến 6h sáng hôm sau. Các khu vui chơi trẻ em, khu ăn uống được khuyến cáo dừng hoạt động từ ngày 13/6-20/6. Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cũng quyết định cho công chức nghỉ làm việc từ ngày 15/6 – 19/6 mà vẫn được hưởng lương. Như vậy, tính cả các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ (12/6 – Ngày Nước Nga), nghỉ bù, người dân Moskva sẽ có đợt nghỉ dài 9 ngày (từ 12/6 – 20/6).
Trong 24 giờ qua, Nga có thêm 13.510 ca mắc bệnh COVID-19 - số ca ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ ngày 15/2 vừa qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 5.193.964 trường hợp. Trong 24 giờ qua, Nga cũng có thêm 399 trường hợp tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch ở nước này lên 126.073 trường hợp. Tính đến ngày 11/6, đã có tổng cộng 32.267.143 liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại Nga.