Họ đang cố gắng khắc phục chia rẽ về tốc độ đưa Ukraine gia nhập khối trong bối cảnh nước này đang xảy ra xung đột với Nga.
Các cuộc thảo luận đã gia tăng trong nhiều tuần, trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều lãnh đạo khác tề tựu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Litva.
Tờ Washington Post (Mỹ) dẫn lời một số quan chức giấu tên tại các quốc gia NATO cho biết có đồng thuận giữa 31 thành viên rằng NATO sẽ không đưa ra lời mời chính thức Ukraine tham gia khối tại cuộc họp diễn ra từ ngày 11-12/7 tại Litva.
Các quốc gia Đông Âu đang thúc đẩy những bước cụ thể hướng tới mục tiêu đó, bao gồm cả cam kết tiềm năng về thời gian gia nhập của Ukraine.Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia Tây Âu ủng hộ những bước nhỏ hoặc một quyết định mở rộng hơn nữa hỗ trợ kỹ thuật của NATO với lĩnh vực quốc phòng Ukraine.
Ukraine tha thiết, nhiều nước ủng hộ
Người đứng đầu phái đoàn Ukraine tại NATO Nataliia Galibarenko đánh giá: “Hội nghị thượng đỉnh Vilnius không thể trở thành lịch sử nếu thiếu quyết định về tương lai của Ukraine tại liên minh”.
Bà Galibarenko nhấn mạnh bất chấp những khó khăn liên quan đến việc thu nạp quốc gia mới làm thành viên khi đang có xung đột, Ukraine tin rằng NATO “cần xác định một con đường để chúng tôi trở thành thành viên và thiết lập thuật toán động thái của Ukraine hướng tới việc gia nhập NATO, thay vì lặp lại tuyên bố khác về chính sách mở cửa”.
Trong một bài viết gần đây cho tạp chí Foreign Affairs, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi hành động nhanh chóng và cho rằng Kiev đã chứng tỏ sự sẵn sàng trong 18 tháng qua. Ông viết: “Đã đến lúc khối quân sự ngừng bào chữa và bắt đầu quá trình dẫn đến việc gia nhập của Ukraine”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã viện dẫn việc NATO kết nạp các quốc gia thuộc Liên Xô, điều đã xảy ra dần dần kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, là một mối đe dọa đối với an ninh của Nga.
Quan chức ở các quốc gia Baltic đã đề xuất NATO gửi tới Ukraine lời mời thành viên chính thức ở Vilnius, hoặc khởi động một quy trình thiết lập khung thời gian và các điều kiện cụ thể cho việc gia nhập của Kiev.
Ngoại trưởng CH Séc Jan Lipavsky, một quốc gia ở Trung Âu, cho biết "danh sách mong muốn" của ông dành cho hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius bao gồm "cung cấp một con đường phù hợp" để Ukraine gia nhập NATO.
Mỹ, Tây Âu chần chừ
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đồng minh khác ở Tây Âu lại chậm rãi và cẩn trọng hơn. Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn các quốc gia NATO ưu tiên cung cấp cho Ukraine hỗ trợ liên tục trên chiến trường khi nước này chuẩn bị cho một cuộc phản công đã được chờ đợi từ lâu. Họ coi tư cách thành viên và các đảm bảo an ninh tiềm năng là những vấn đề cần được giải quyết như một phần của giải pháp cuối cùng cho chiến tranh.
Các quốc gia dè dặt hơn cho rằng việc kết nạp Ukraine trong khi nước này đang trong xung đột với Nga có thể tự động kích hoạt Điều 5 của NATO với nội dung nêu rõ tấn công vũ trang nhằm vào một nước thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên của khối. Điều này sẽ đẩy NATO vào một cuộc xung đột lớn với Nga.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thường xuyên viện dẫn sự ủng hộ của khối quân sự này về tư cách thành viên của Ukraine nhưng không đưa ra thông tin cụ thể về thời điểm hoặc cách thức điều đó có thể xảy ra.