Ngày 20/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc chấm dứt ngay lập cuộc xung đột ở Nam Sudan, đồng thời cảnh báo nước này đang đứng bên "bờ vực" nội chiến.
Người tị nạn Sudan tại khu lều tạm của LHQ ở ngoại ô thủ đô Juba ngày 17/12. AFP/TTXVN |
Ông Obama trước đó thông báo đã triển khai 45 binh sĩ tới Nam Sudan để bảo vệ người và tài sản của Mỹ tại quốc gia đang chìm trong bạo lực này. Mỹ cũng đã chỉ thị cho toàn bộ nhân viên sứ quán thứ yếu rời khỏi Nam Sudan. Đại sứ quán Mỹ tại Nam Sudan đã tổ chức chuyến bay di tản khẩn cấp thứ 5 trong ngày 20/12.
Cùng ngày, các binh sĩ Uganda đã được triển khai tại thủ đô Juba của Nam Sudan sau khi chính phủ Nam Sudan đề nghị giúp đảm bảo an ninh cho thành phố này. Nhóm binh sĩ đầu tiên thuộc lực lượng đặc nhiệm Uganda đã giúp bảo đảm an ninh tại sân bay và hỗ trợ sơ tán công dân Uganda khỏi Juba, một tuần sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa các đơn vị đối địch trong Quân đội Nam Sudan.
Trong khi đó, chính phủ Nam Sudan cho hay đã sẵn sàng đối thoại với các phe nhóm đối địch nhằm ngăn nguy cơ tái bùng phát chiến tranh, trong bối cảnh các bộ trưởng của châu Phi tìm cách làm trung gian hòa bình tại quốc gia này.
Khủng hoảng tại Nam Sudan ngày càng leo thang căng thẳng khi ngày 19/12, doanh trại của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Akobo, bang Jonglei đã bị tấn công, khiến 3 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson đã kịch liệt lên án vụ tấn công trên. Ông cho biết phái đoàn LHQ sẽ triển khai kế hoạch tái bố trí lực lượng tại doanh trại Akobo sớm nhất vào ngày 20/12, với 60 binh sĩ được điều đến từ Malaka.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình xung đột bạo lực và vi phạm nhân quyền đang ngày một lan rộng tại nhiều khu vực ở Nam Sudan. Ông Ban Ki-moon nêu rõ Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ người dân Nam Sudan, cũng như các công dân quốc tế đang có mặt tại nước này. Hiện hơn 30.000 người dân đang tới lánh nạn tại các cơ sở thuộc LHQ ở Nam Sudan.
TTG