Mỹ yêu cầu mọi nhân viên không làm nhiệm vụ khẩn cấp rời khỏi Iraq giữa lúc căng thẳng với Iran leo thang

Ngày 15/5, Mỹ đã yêu cầu tất cả nhân viên nước này không làm công vụ khẩn cấp phải rời khỏi Iraq, trong bối cảnh căng thẳng với Iran leo thang.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: CNN

Truyền thông Nga cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Iraq thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho tất cả nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp phải rời khỏi Iraq "càng sớm càng tốt". Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran đang leo thang nguy hiểm những ngày qua.

Theo báo Express.com, Lãnh sự quán Mỹ tại Erbil cũng "tạm thời ngừng mọi hoạt động lãnh sự".

Trong khi đó, hai nguồn tin an ninh tại Iraq cho biết tình báo Mỹ đã thu thập được thông tin cho thấy các lực lượng của người Hồi giáo Shiite được Iran hậu thuẫn đã bí mật bố trí các hệ thống rốc-két gần các căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn đóng ở Iraq.

Trước đó, ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran sẽ "chịu tổn thất lớn" nếu cố gắng "làm bất cứ điều gì" chống lại Mỹ. Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh giới tình báo Mỹ cho rằng Tehran đang lên kế hoạch tấn công các lợi ích của Washington trong khu vực.  

Phát biểu với báo giới trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Tôi nghe được một số câu chuyện nhỏ về Iran. Nếu họ làm điều gì đó, đó sẽ là một sai lầm rất tồi tệ... Họ sẽ phải chịu tổn thất nặng nề".

Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Iran trong những ngày gần đây, cáo buộc Tehran đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công "sắp diễn ra". Washington đã tăng cường hiện diện quân sự tại Vùng Vịnh. Song song với đó, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố để ngỏ cánh cửa đối thoai với nhà lãnh đạo Iran. Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng Iran nên cố gắng đàm phán thay vì đe dọa. Hiện họ đang lựa chọn giải pháp tồi, đó là tập trung vào đe dọa."

Chú thích ảnh
Binh sĩ Iran tuần tra tại eo biển Hormuz, miền nam nước này ngày 30/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Báo New York Times cũng trong ngày 13/5 dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã trình bày một kế hoạch quân sự chống lại Iran tại một cuộc họp của các trợ lý an ninh hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump. Theo kế hoạch này, Washington sẽ điều 120.000 binh sĩ đến Trung Đông nếu Iran tấn công lực lượng Mỹ hoặc đẩy nhanh tiến độ phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Trump đã bác bỏ thông tin này.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng một tuần sau khi Tehran tuyên bố đình chỉ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), dù vẫn duy trì tuân thủ thỏa thuận. Động thái này của Iran được xem là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sau khi Washington rút khỏi JCPOA hồi năm ngoái.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.

Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. EU đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước CH Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.

Chú thích ảnh
Lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei phát biểu tại thủ đô Tehran ngày 9/4/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong diễn biến liên quan, Lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei ngày 14/5 khẳng định rằng sẽ không có bất cứ một cuộc chiến tranh nào với Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Tehran thời gian vừa qua.

Phát biểu với giới chức Iran, ông Khamenei cho rằng căng thẳng Iran-Mỹ hiện nay là cuộc thử nghiệm về quyết tâm hơn là đụng độ quân sự. Đại giáo chủ Iran cho rằng sẽ không có bất kỳ cuộc chiến tranh nào bởi cả Iran và Mỹ đều không theo đuổi một cuộc chiến. 

Ngoài ra, Đại giáo chủ Iran cũng nhận định đàm phán với Mỹ là "có hại" bởi người Mỹ chỉ muốn lấy đi những điểm mạnh của Iran như năng lực tên lửa hay tầm ảnh hưởng chiến lược của Iran ở khu vực. Ông khẳng định sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ chừng nào Washington còn theo đuổi những chính sách thù địch chống Tehran. 

Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi bày tỏ tin tưởng "mọi chuyện rồi sẽ kết thúc tốt đẹp" giữa Mỹ và Iran bất chấp căng thẳng gia tăng thời gian qua. Phát biểu họp báo tại Baghdad, Thủ tướng Abdul Mahdi cho biết hiện Iraq vẫn thường xuyên liên lạc với Mỹ và Iran, hai đồng minh chính của Iraq.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Iran chính thức ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân
Iran chính thức ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân

Hãng thông tấn ISNA của Iran dẫn một nguồn thạo tin trong Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran cho biết Tehran đã chính thức ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đạt được với các cường quốc trên thế giới, sau một chỉ thị từ Hội đồng An ninh Tối cao Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN