Các bên hoài nghi lẫn nhau
Theo đài BBC, sự cố xảy ra gần cảng Fujairah, ngay ngoài Eo biển Hormuz nhưng không gây thương vong. Saudi Arabia xác nhận hai trong bốn tàu chở dầu là của nước này và đã bị hư hại nghiêm trọng. Một tàu được đăng ký ở Na Uy còn tàu thứ tư treo cờ UAE.
Iran, nước kiểm soát Eo biển Hormuz, đã kêu gọi điều tra toàn diện sự cố đang khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Hiện chưa có nhiều thông tin về vụ việc. Thời gian 4 tàu nói trên bị tấn công là lúc 6 giờ ngày 12/5 trên vùng biển của UAE ở Vịnh Oman. Vụ tấn công đã khiến các tàu bị một lỗ thủng rộng từ 1,5m đến 3m.
Ngày 13/5, nhiều quan chức Mỹ cho rằng dựa trên đánh giá ban đầu, Iran có liên quan tới vụ tấn công 4 tàu chở dầu nói trên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bình luận về sự việc trong họp báo với Thủ tướng Hungary Viktor Orban: “Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì xảy ra với Iran. Nếu họ làm điều gì đó, sẽ là sai lầm lớn. Tôi nghe những chuyện này kia về Iran. Nếu họ làm gì đó, họ sẽ chịu tổn hại lớn”.
Xem video cận cảnh hư hỏng của tàu chở dầu của Na Uy (nguồn: RT):
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói rằng vụ việc đáng lo ngại và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh vận tải hàng hải, đồng thời ông bác bỏ cáo buộc Iran có liên quan.
Trước đó một ngày, Cục Quản lý Hàng hải Mỹ (MARAD) cảnh báo có khả năng ngày càng tăng rằng Iran hoặc các lực lượng mà Iran hậu thuẫn có thể chống lại lợi ích của Mỹ và đối tác, trong đó có các cơ sở hạ tầng liên quan sản xuất dầu. Gần đây, Iran đã cảnh báo đóng cửa Eo biển Hormuz nếu Mỹ trừng phạt các nước mua dầu của Iran.
Vụ tấn công bí ẩn trên diễn ra đúng vào thời điểm rạn nứt quan hệ giữa Iran và Mỹ ngày càng lớn. Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton thông báo nhóm tàu sân bay tác chiến USS Abraham Lincoln và máy bay ném bom được triển khai tới Trung Đông trước thời gian dự kiến để gửi thông điệp rõ ràng tới Iran rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lợi ích của Mỹ và đồng minh sẽ bị đáp trả không thương tiếc.
Đặc phái viên của Iran tại Liên hợp quốc, ông Majid Takht Ravanchi, gọi tuyên bố của ông Bolton là âm mưu dùng tin tình báo giả. Ông cho rằng chính những người năm xưa cáo buộc Chính phủ Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt để lấy cớ tấn công năm 2003 cũng là những người tung tin giả nhằm vào Iran.
Vài ngày sau tuyên bố của ông Bolton, ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có bài phát biểu trên truyền hình, thông báo Iran sẽ rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với 6 nước hồi năm 2015. Dù giảm cam kết với thỏa thuận nhưng Iran sẽ không rút khỏi hoàn toàn. Trong bài phát biểu, ông Rouhani cáo buộc những người theo đường lối cứng rắn ở Mỹ đã nỗ lực làm suy yếu thỏa thuận từ năm 2015 tới nay.
Nếu các đối tác khác đáp ứng yêu cầu giảm nhẹ trừng phạt Iran, Tehran sẽ nối lại thực hiện các cam kết trong thỏa thuận. Nếu không, Iran sẽ ngừng thực hiện các cam kết còn lại.
Cách đây một năm, vào đúng ngày 8/5, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do thỏa thuận này chỉ dọn đường cho Iran tiến tới sản xuất bom hạt nhân. Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận ngay cả sau khi Mỹ rút khỏi cho đến ngày 8/5 một năm sau.
Tình thế nguy hiểm
Theo tờ The Guardian, tình thế bế tắc lâu dài giữa Iran và Mỹ trong suốt nhiều năm qua đã biến thành một cuộc khủng hoảng sau vụ phá hoại các tàu chở dầu nói trên. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng có thể tác động tới an ninh năng lượng toàn cầu và ổn định khu vực.
Trong thời gian ông Trump làm tổng thống, chính sách với Iran luôn là đe dọa. Cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đều đóng vai trò quan trọng trong khiến Tổng thống Trump tập trung vào Iran, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt toàn diện lên nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Iran luôn bị coi là mối đe dọa trong mắt Mỹ và đồng minh khu vực.
Về phần mình, Iran coi Mỹ là nhân tố thất thường mà sự hiện diện và can thiệp đã làm bất ổn khu vực Trung Đông suốt mấy chục năm qua. Với Tehran, Mỹ là một cảnh sát toàn cầu tự xưng mà nước này sẽ không bao giờ cúi đầu khuất phục.
Để bóp nghẹt Iran, Mỹ đã quyết định không miễn trừ trừng phạt cho 8 nước nhập khẩu dầu của Iran nữa. Mục đích của động thái này là khiến lượng dầu xuất khẩu của Iran về con số 0. Các biện pháp trừng phạt đang khiến nền kinh tế Iran gặp khó khăn lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là Iran không bao giờ đầu hàng trước các động thái của Mỹ.
Theo nhà báo Martin Chulov của tờ The Guardian, Mỹ dường như đang đánh cược là Iran sẽ đầu hàng và đã đẩy chính sách “bên miệng hố chiến tranh” lên quá giới hạn. Ngày 13/5, Washington khuyến cáo công dân ở Iraq và trong khu vực cảnh giác. Rủi ro tính toán sai lầm của cả hai bên dường như cao hơn so với cách đây 16 năm, khi Mỹ đưa quân vào Iraq.
Các chuyên gia về khu vực Trung Đông và quan chức chính phủ các nước lo ngại Iran và Mỹ có thể xảy ra xung đột trong tương lai. Bà Ellie Geranmayeh, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định với đài CNBC ngày 12/5: “Cả Iran và Mỹ dường như đều đang tập trung các mạng lưới và cơ sở hạ tầng để ngăn chặn các cuộc tấn công quân sự của đối phương vào tài sản của mình trong khu vực. Khi thiếu kênh ngoại giao nghiêm túc, cách tiếp cận hiện nay của Nhà Trắng thời Tổng thống Trump có thể làm bùng phát một chu kỳ đối đầu quân sự mới trong khu vực, dù là cố tình hay vô tình”.
Theo bà Geranmayeh, để đối phó với quốc gia 80 triệu dân, Mỹ dường như đang đi trên con đường cho nổ tung nền kinh tế Iran và điều này là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới bất ổn trong toàn bộ khu vực. Bà cũng chia sẻ lo ngại của nhiều người khi Mỹ không chừa khoảng trống nào để Iran rút lại lời đe dọa và quay lại bàn đàm phán.
Trong bối cảnh vũ khí hạng nặng ngày càng xuất hiện nhiều ở Vịnh Ba Tư, các nhà phân tích lo ngại hậu quả xảy ra một khi các bên hiểu lầm và tính toán sai. Ông Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại Washington D.C cho rằng điều đó là có thể vì Chính quyền Mỹ không có chiến lược giảm căng thẳng hiệu quả mà chỉ hy vọng việc phô trương sức mạnh sẽ khiến Iran sợ hãi. Ông Vaez đánh giá đây là bước khởi đầu nguy hiểm.
Các nhà quan sát khu vực đánh giá với các động thái của Mỹ gần đây, từ việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 cho tới liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố, Mỹ đang buộc Iran phải vi phạm thỏa thuận bằng cách rút hết mọi lợi ích mà Iran có khi cam kết thực hiện thỏa thuận, từ đó khiêu khích Iran bắn phát súng đầu tiên.
Ông Amos Hochstein, cựu quan chức thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho rằng chiến lược của Mỹ là đáng báo động. Ông nói: “Nếu chúng ta muốn ngăn chặn một Iran có hạt nhân mà không thông qua đàm phán, lựa chọn duy nhất còn lại có thể trở thành chiến tranh. Chúng ta đã chứng kiến kịch bản này ở Iraq và trường hợp Iran còn nghiêm trọng hơn”.