Mỹ và NATO thảo luận về một thỏa thuận an ninh kiểu Israel cho Ukraine

Mỹ và NATO đang thảo luận về một thỏa thuận an ninh kiểu Israel dành cho Ukraine, ưu tiên chuyển giao vũ khí và công nghệ tiên tiến và thỏa thuận này sẽ được ký kết vào mùa hè này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng tháng 12/2022. Ảnh: AP

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), khi Ukraine bước vào giai đoạn then chốt trong cuộc xung đột với Nga, các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO đang thống nhất với nhau về một tầm nhìn củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine và tìm cách đảm bảo tương lai có chủ quyền của nước này. Đó là mô hình an ninh mà các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Biden, đã so sánh với những gì Israel hiện có.

Các quan chức phương Tây nói với WSJ rằng thỏa thuận an ninh này sẽ liên quan đến quá trình hướng tới tư cách thành viên NATO trong tương lai của Ukraine, nhưng sẽ không thực sự khiến liên minh Bắc Đại Tây Dương này trở thành một bên trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Nga.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết một thỏa thuận an ninh kiểu Israel dành cho Ukraine sẽ ưu tiên chuyển giao vũ khí và công nghệ tiên tiến. Ông Duda nói: “Các cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra ngay lúc này”. Tổng thống Duda không nêu chi tiết vũ khí hoặc công nghệ nào có thể được chuyển giao cho Ukraine theo thỏa thuận, nhưng Ba Lan đã cung cấp cho Kiev máy bay MiG-29 thời Liên Xô, cùng các thiết bị quốc phòng khác.

Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết cuộc thảo luận về mô hình kiểu Israel nổi lên như một cách để giải quyết cốt lõi các vấn đề an ninh của Ukraine, thừa nhận rằng nước này sẽ không sớm đạt được tư cách thành viên NATO. Nhưng ngay cả khi dựa trên mô hình an ninh của Israel, quan chức này cho biết, các điều khoản của thỏa thuận quốc phòng với Ukraine vẫn linh hoạt.

Israel không phải là thành viên của NATO và Mỹ không bị ràng buộc theo hiệp ước để hỗ trợ nước này. Nhưng trong nhiều thập kỷ, Israel đã có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ với tư cách là đối tác tin cậy nhất của Washington ở Trung Đông và đây cũng là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II.

Hỗ trợ của Mỹ cho Israel hiện được vạch ra trong các thỏa thuận 10 năm và trong thỏa thuận gần đây nhất, Washington cam kết cung cấp 38 tỷ USD viện trợ quân sự từ năm 2019 đến 2028.

Khái niệm về một mô hình của Israel lần đầu tiên được soạn thảo vào tháng 9/2022. Tác giả là ông Andriy Yermak, một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine và Anders Fogh Rasmussen, cựu lãnh đạo NATO.

“Ukraine cần những đảm bảo an ninh chắc chắn và lâu dài”, ông Yermak nói với tờ WSJ, lưu ý thêm rằng những đảm bảo như vậy sẽ cần được duy trì cho đến khi Ukraine gia nhập NATO.

Fabrice Pothier, cựu Giám đốc chính sách của NATO và là trợ lý của ông Rasmussen, người đã giúp soạn thảo đề xuất và trình bày với một số chính phủ phương Tây, cho biết Mỹ sẽ đóng vai trò là người bảo đảm chính cho các thỏa thuận an ninh với sự tham gia của các thành viên NATO ở châu Âu.

Thỏa thuận - dựa trên một đề xuất được gọi là Hiệp ước An ninh Kiev - dự kiến sẽ được ký kết sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 11-12/7 năm nay tại Vilnius.

Công Thuận/Báo Tin tức
Ngoại trưởng Đức nói NATO không thể kết nạp Ukraine vào thời điểm hiện tại
Ngoại trưởng Đức nói NATO không thể kết nạp Ukraine vào thời điểm hiện tại

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Ukraine không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi nước này vẫn đang vướng vào cuộc xung đột với Nga. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN