Sau khi xác nhận một trường hợp nhiễm bệnh bò điên đầu tiên trong vòng 6 năm qua tại bang California, giới chức Mỹ ngày 24/4 đã lên tiếng trấn an người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Bộ Nông nghiệp Mỹ khẳng định dịch bệnh đã được kiểm soát và chuỗi cung ứng thực phẩm vẫn an toàn, đảm bảo sức khỏe người dân. Bộ trên cũng cho biết các mẫu vật phẩm của con bò bị nhiễm bệnh đã được chuyển tới các phòng thí nghiệm ở bang Iowa, Anh và Canađa để kiểm tra. Kết quả ban đầu đã cho kết quả dương tính với bệnh bò điên. Bộ Nông nghiệp Mỹ cam kết sẽ tiếp tục điều tra và cập nhật các thông tin mới nhất một cách minh bạch xung quanh vụ việc này.
Bất chấp những lời trấn an của Bộ Nông Nghiệp Mỹ, việc công bố phát hiện ca bệnh bò điên đã ngay lập tức khiến các các sản phẩm chế biến từ thịt bò trên thị trường giảm giá mạnh bởi nỗi ám ảnh của người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu lớn khi dịch bệnh này bùng phát hồi năm 2003.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Theo Liên hiệp xuất khẩu thịt của Mỹ, mỗi tháng, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu thịt bò đem lại hơn 353 triệu USD cho Mỹ với các thị trường nhập khẩu chính là Mêhicô, Canađa, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngay sau khi Mỹ công bố ca nhiễm bệnh bò điên trên, cùng ngày, hai nhà bán lẻ Hàn Quốc gồm Lotte Mart và Home Plus đã tạm ngừng việc kinh doanh thịt bò của Mỹ và cho biết sẽ đợi những động thái của chính phủ Mỹ trong việc xử lý vụ việc này trước khi đưa ra những bước đi tiếp theo. Một quan chức cấp cao giấu tên của Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường công tác kiểm dịch và thanh tra hoặc thậm chí cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm chế biến từ thịt bò của Mỹ nếu cần thiết. Trước đó, Hàn Quốc từng ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ sau đợt bùng phát dịch bệnh bò điên lần đầu tiên ở Mỹ hồi cuối năm 2003. Vào thời điểm đó, ngành xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt bò của Mỹ đã bị thiệt hại 3 tỷ USD.
Trong khi đó, Nhật Bản, một trong những thị trường nhập khẩu thịt bò hàng đầu của Mỹ, cho biết hiện nước này sẽ chưa có bất kỳ hành động nào, đồng thời khẳng định vụ việc trên không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa Mỹ và Nhật Bản.
Được phát hiện lần đầu tiên tại Anh vào năm 1986, bệnh bò điên hay còn gọi là bệnh xốp não truyền nhiễm đã lây nhiễm và khiến hơn 200 người trên thế giới tử vong, chủ yếu tại Anh và các nước Liên minh châu Âu. Tiếp đó, những ca bệnh bò điên được phát hiện tại Mỹ, Canađa, Ixraen, châu Âu và Nhật Bản đã làm đứt quãng chuỗi cung cấp toàn cầu của loại thực phẩm này trị giá hàng tỷ USD này, kéo theo đó là một loạt các lệnh cấm và hạn chế nhập khẩu, khiến ngành chăn nuôi gia súc nhiều nước gặp khó khăn.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân khiến căn bệnh nguy hiểm này lây lan là việc chế biến các bộ phận của gia súc nhiễm bệnh thành thức thức ăn cho gia súc khác. Trong khi đó, các nhà chức trách thì cho rằng ăn thịt từ những con gia súc bị nhiễm bệnh có thể khiến bệnh lây sang người và có thể gây chết người.
Ước tính số lượng gia súc trong các nông trại của Mỹ hiện nay là khoảng 90,8 triệu con, chủ yếu tại các bang Texas, Nebraska, Kansas và Caliphonia. Mỗi năm Bộ Nông nghiệp Mỹ tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên khoảng 40.000 đầu gia súc.
TTXVN/Tin tức