Theo ông Obstfeld, đồng USD, thường được xem là một đồng tiền trú ẩn an toàn, có thể sẽ tăng hơn nữa khi Mỹ mở rộng việc đánh thuế hàng nhập khẩu, khiến các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn so với phần còn lại của thế giới. Hệ quả là khi xuất khẩu của Mỹ giảm và nhập khẩu tăng, thâm hụt thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng hơn nữa.
Bên cạnh đó, chính sách kích thích tài khóa của Mỹ, bao gồm cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ, cũng sẽ tạm thời thúc đẩy nhu cầu trong nước và nhập khẩu, khiến thâm hụt thương mại tăng.
Vì thế, chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế quốc tế này cho rằng các chính sách thương mại không có những tác động lớn có thể đong đếm về mặt định lượng đối với tình hình mất cân bằng trong tài khoản vãng lai, vốn chủ yếu là một hiện tượng kinh tế vĩ mô.
Dựa trên những biện pháp tài khóa hiện tại, IMF dự đoán rằng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, chủ yếu bao gồm thâm hụt thương mại, sẽ tăng từ mức 2,4% GDP năm 2017 lên 3,6% GDP vào năm 2020. Thế nhưng, ông Obstfeld cho rằng nếu Mỹ tiếp tục cắt giảm thuế, con số này có thể tiếp tục tăng lên mức 4% GDP hoặc cao hơn nữa.
Vì tài khoản vãng lai của Mỹ bị thâm hụt, nên nước này tự nhiên sẽ có xu hướng bị thâm hụt thương mại song phương với một số đối tác thương mại. Nhưng theo ông Obstfeld, những con số thâm hụt này không có nghĩa là các đối tác thương mại khác đang “gian lận” với nước Mỹ hay nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu thua thiệt trong thương mại.
Ngược lại, ông nhận định rằng tình hình cán cân thương mại hiện nay là một phần quan trọng trong cách thức mà nước Mỹ đang hưởng lợi từ thương mại, chẳng hạn như nhôm nhập khẩu được dùng để chế tạo máy bay và sau đó sản phẩm này được xuất khẩu ra toàn thế giới.