Dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/4, đài Sputnik đưa tin: “Thông báo hôm nay của Chính phủ Nga mang tính leo thang và thât đáng tiếc. Chúng tôi không muốn bước vào một vòng xoáy leo thang nhưng chúng tôi có quyền đáp trả bất kỳ hành động trả đũa nào của Nga đối với Mỹ”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva sẽ yêu cầu 10 nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này để trả đũa cho quyết định tương tự của Washington liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và những hành động "thâm độc" khác.
Bên cạnh đó, Moskva cũng liệt kê 8 quan chức Mỹ vào danh sách bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Liên bang Nga, trong đó có Tổng chưởng lý Merrick Garland, Bộ trưởng Nội vụ Alejandro Mayorkas, cựu Cố vấn Tổng thống Susan Rice, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray, Giám đốc Tình báo An ninh Quốc gia Avril Haines.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga cho biết họ vẫn đang xem xét phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt từ Mỹ song vẫn chưa nhận được công hàm nêu chi tiết công việc tương lai của phái đoàn ngoại giao Mỹ tại đây.
Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan nói: “Chúng tôi đã thấy một thông báo xuất hiện trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga và đang xem xét thông tin, cũng như tham vấn với chính quyền Washington. Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo ngoại giao chính thức nào từ Nga”.
Ngày 15/4, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất về một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Mỹ công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của nước này.
Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là sự can thiệp của Điện Kremlin vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn. Ngay lập tức, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố Nga coi bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ cũng là bất hợp pháp và sẽ đáp trả phù hợp.