Theo đó, Amazon bị buộc tội vi phạm luật địa phương liên quan đến các hành vi và thủ đoạn thương mại gian lận bất chấp việc tập đoàn này đã bồi thường cho các tài xế theo một thỏa thuận với Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC).
Trong đơn kiện hãng Amazon, Tổng chưởng lý chính quyền thủ đô Washington, Karl Racine lập luận: "Khi một công ty bị bắt quả tang ăn cắp của công nhân, việc công ty đó bồi hoàn số tiền đánh cắp vẫn là chưa đủ. Trộm cắp của công nhân là hành vi trộm cắp, và cần phải có những hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn mạnh mẽ hành vi trái pháp luật này".
Theo hồ sơ vụ kiện nhằm vào Amazon.com và Amazon Logistics, từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2019, “gã khổng lồ” thương mại điện tử này đã lừa dối khách hàng nghĩ rằng tiền boa sẽ được trả cho các tài xế dịch vụ Flex trong khi thực tế lại sử dụng tiền boa này để giảm chi phí vận hành.
Trong thông cáo báo chí, ông Karl Racine nhấn mạnh “Amazon, một trong những công ty giàu có nhất thế giới chắc chắn sẽ không cần lấy tiền boa vốn thuộc về những người công nhân. Amazon có thể và nên làm tốt hơn".
Amazon đã khai trương dịch vụ giao hàng Flex năm 2015, tạo cơ hội cho tài xế giao hàng kiếm được từ 18-25 USD/tiếng, cộng với tiền boa cho việc sử dụng chính phương tiện của họ để giao hàng tạp hóa hoặc các bưu kiện cho tập đoàn. Amazon bị cáo buộc tiến hành thay đổi hình thức thanh toán cho tài xế vào năm 2017, dẫn tới một phần lớn khoản tiền boa được tập đoàn sử dụng để bí mật trợ cấp cho tài xế.