Mỹ, Đức giải quyết bất đồng liên quan đến việc gửi xe tăng cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 19/1 đã gặp tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhằm gây sức ép với Berlin cho phép chuyển giao xe tăng do Đức sản xuất cho Ukraine trong bối cảnh hai đồng minh vẫn còn bất đồng về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Xe tăng Leopard 2 của quân đội Tây Ban Nha khai hỏa trong cuộc tập trận Silver Arrow 2022 trên khu huấn luyện quân sự Adazi, Latvia. Ảnh tư liệu: Reuters

Trước đó, theo nguồn tin quan chức chính phủ Đức, Berlin sẽ cho phép gửi xe tăng do Đức sản xuất tới Ukraine để giúp quốc gia này chống đỡ trong xung đột nếu Mỹ đồng ý gửi xe tăng của chính họ.

Về phần mình, các quan chức Mỹ khẳng định Washington không có kế hoạch gửi xe tăng do Mỹ sản xuất tới Ukraine vào thời điểm hiện tại, lập luận rằng quá trình duy trì đối với Kiev sẽ là khó khăn cũng như cần một nỗ lực hậu cần khổng lồ để vận hành.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết: “Bộ trưởng sẽ hối thúc người đồng cấp Đức về vấn đề này”.

Trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, Bộ trưởng Austin đã gửi lời cảm ơn Đức vì sự hỗ trợ của họ cho Ukraine cho đến nay.

"Đức vẫn là một trong những đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi... Tôi muốn cảm ơn chính phủ Đức vì tất cả những gì họ đã làm để tăng cường khả năng tự vệ của Ukraine”, Bộ trưởng Austin nói song không đề cập cụ thể đến vấn đề xe tăng.

Phát biểu chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ Kiev.

"Cùng với các đồng minh, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập và chủ quyền lãnh thổ", Bộ trưởng Pistorius nói.

Quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết việc cung cấp cho Ukraine xe tăng Leopard do Đức sản xuất là phương án hợp lý nhất vì một số quốc gia đã có chúng và sẵn sàng chuyển giao một cách nhanh chóng.

Mỹ cũng đã cam kết viện trợ 24 tỷ USD để giúp Ukraine. Mới đây, trong ngày 20/1, Mỹ đã công bố một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá lên tới 2,5 tỷ USD, bao gồm hàng trăm xe bọc thép và hỗ trợ cho lực lượng phòng không của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết gói hỗ trợ mới nhất bao gồm 59 xe chiến đấu Bradley, 90 xe bọc thép chở quân Stryker, đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), 8 hệ thống phòng không Avenger, hàng chục nghìn viên đạn pháo và khoảng 2.000 tên lửa chống tăng.

Tuy nhiên, xe tăng M1 Abrams như Đức kỳ vọng vẫn không có trong danh sách viện trợ này.

Một số quan chức các nước Đông Âu đã công khai kêu gọi Đức cho phép chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 16/1 kêu gọi Đức gửi cho Ukraine vũ khí cần thiết.

Trong khi đó, Anh cho biết sẽ gửi 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 tới Ukraine, một bước đi mà các quan chức hy vọng sẽ mở ra cơ hội cho Đức thực hiện các động thái tương tự.

Một số quan chức Mỹ vẫn hy vọng rằng họ có thể thuyết phục Đức cho phép chuyển giao xe tăng của bên thứ ba cho Ukraine.

“Chúng tôi rất lạc quan rằng chúng tôi sẽ đạt được tiến bộ về yêu cầu này vào cuối tuần”, một quan chức chính phủ giấu tên của Mỹ cho hay.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Pháp cân nhắc gửi xe tăng chiến đấu Leclerc cho Ukraine
Pháp cân nhắc gửi xe tăng chiến đấu Leclerc cho Ukraine

Pháp đang cân nhắc gửi xe tăng chiến đấu Leclerc sang cho Ukraine và có thể đưa ra quyết định sau cuộc họp cấp bộ trưởng chung với Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN