Dẫn nguồn từ ba quan chức Mỹ và một người khác quen thuộc với vấn đề này, tờ Politico đưa tin rằng gói hỗ trợ mới có thể sẽ bao gồm xe chiến đấu bọc thép Stryker, pháo và đạn dược bổ sung.
Stryker là một phương tiện chiến đấu bọc thép 8 bánh do General Dynamics Land Systems chế tạo. Động cơ diesel 350 mã lực cho phép Stryker tăng tốc độ đến 100 km/ giờ trên đường nhựa. Nhiên liệu đủ hoạt động gần 500km. Vỏ giáp trước của xe có thể chịu được tác động của đạn xuyên giáp 14mm hoặc mảnh đạn 155mm.
Vũ khí tiêu chuẩn của Stryder là súng máy Browning cỡ nòng 12,7 hoặc 7,62mm. Có thể lắp súng phóng lựu tự động 40mm. Ngoài ra, còn có một phiên bản trang bị vũ khí hạng nặng - súng chống tăng 105mm, nhằm mục đích tấn công các vị trí kiên cố, boong-ke, xe bọc thép đối phương.
Bên cạnh đó, tờ Politico cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho lực lượng Ukraine các loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, có tầm bắn khoảng 160km và có thể được phóng từ Hệ thống Tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Hãng Reuters trước đó đưa tin rằng các loại bom đường kính nhỏ do Boeing sản xuất đang được thảo luận.
Tuy nhiên, xe tăng Abrams của Mỹ mà Kiev đã vận động từ lâu sẽ không được đưa vào gói vũ khí mới này, nguồn tin của Politico cho biết.
Nguồn tin cho biết thêm, chính quyền Tổng thống Biden hiện không có kế hoạch cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, chủ yếu là do những thách thức về hậu cần và bảo trì.
Theo tờ báo, Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân tầm xa, có khả năng vươn sâu phía sau phòng tuyến của Nga ở Crimea hoặc Donbas, một hạng mục khác mà Kiev yêu cầu, cũng sẽ không được đưa vào gói viện trợ an ninh mới của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden từ lâu chần chừ trong việc gửi vũ khí tầm xa vì sợ chọc giận Điện Kremlin.
Colin Kahl, quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc, cho biết chính quyền Mỹ tin rằng Ukraine có thể "thay đổi động lực trên chiến trường" và đẩy lùi lực lượng Nga mà không cần đến những tên lửa đó.
Hiện tại Nhà Trắng vẫn chưa ký vào gói vũ khí nói trên, gói này vẫn đang được hoàn thiện và có thể thay đổi trong tuần. Nhưng các quan chức cho rằng một thông báo có thể được đưa ra tại cuộc họp thường kỳ của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức vào ngày 20/1. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley sẽ gặp gỡ các đối tác của họ để thảo luận về gói viện trợ mới cho Ukraine.
Cuộc họp nói trên diễn ra trong bối cảnh Kiev đang "gióng chuông" cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công lớn mới nhằm chiếm thủ đô. Các quan chức tình báo Ukraine đã cảnh báo Điện Kremlin về kế hoạch động viên quân mới, lên tới 500.000 lính nghĩa vụ, trong khi đầu tuần này, Nga và Belarus đã bắt đầu tập trận chung.
Trước áp lực gửi vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine trong những tuần gần đây, các quốc gia phương Tây đã tăng cường đáng kể cam kết cung cấp các phương tiện bọc thép, nhằm giúp Ukraine xây dựng các đơn vị thiết giáp mới để chiến đấu trong mùa xuân và mùa hè 2023. Cuối năm ngoái, Mỹ và Hà Lan đã đồng ý chi 90 triệu USD để nâng cấp khoảng 90 xe tăng T-72 thời Liên Xô do Cộng hòa Séc sở hữu để chuyển đến Ukraine. Đức cũng đã cam kết chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Marder và Pháp là xe bọc thép AMX-10 RC, một phương tiện bánh lốp trang bị khẩu pháo 105mm. Canada cũng sẽ cung cấp 200 xe chở quân do nước này sản xuất, theo thông báo vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand đưa khi ở thăm Kiev ngày 18/1.
Cũng trong tháng 1, Mỹ tuyên bố sẽ gửi 50 xe chiến đấu Bradley, một loại xe bọc thép bánh xích mang súng tự động, súng máy và tên lửa TOW. Chính quyền Washington đã cung cấp cho Ukraine hàng nghìn phương tiện chiến đấu, bao gồm cả xe Humvee và xe chống mìn được sử dụng để chuyển quân trên chiến trường.