Nguyên nhân khiến vấn đề cung cấp xe tăng cho Ukraine bất ngờ trở nên nổi cộm

Vào những năm đầu của thế kỷ 21, các nhà hoạch định quân sự từng băn khoăn liệu xe tăng, loại vũ khí "sấm sét" của thế kỷ 20, có trở nên lỗi thời? Và câu trả lời từ Ukraine là "Không".

Chú thích ảnh
Lính tăng Ukraine đang ra khỏi một xe tăng đóng tại căn cứ gần làng Klugino-Bashkirivka, vùng Kharkiv. Ảnh: AFP/Getty Images

Máy bay không người lái, chiến tranh mạng và các công nghệ mới nổi khác được coi là vũ khí của tương lai. Gần đây nhất là vào năm 2020, một số chỉ huy quốc phòng còn đề xuất Vương quốc Anh nên loại bỏ hoàn toàn đội xe tăng.

Nhưng khi thế giới đã bước sang năm 2023, và với việc Ukraine đang cân nhắc một cuộc tấn công quan trọng vào mùa xuân này, Kiev một lần nữa trông đợi lớn vào việc sử dụng loại vũ khí truyền thống của lục quân trong các cuộc chiến thế kỷ 20.

Các chỉ huy quân sự của Ukraine muốn có thêm hàng trăm xe tăng phương Tây cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột, trong nỗ lực chống lại lực lượng Nga và vượt qua các chiến hào ở Luhansk hay Zaporizhzhia.

Sau nhiều tháng bế tắc, các đồng minh NATO đang bắt đầu nhận thấy sự khôn ngoan của chiến lược này, với việc Mỹ, Pháp và Anh lần đầu tiên cam kết cung cấp xe bọc thép trong những tuần gần đây.

Đó là một lời nhắc nhở rằng, dù trong thời đại công nghệ tinh vi của chiến tranh hiện đại, lực lượng tuyệt đối trên mặt đất vẫn có giá trị.

Phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 16/1, nghị sĩ cấp cao của đảng Bảo thủ, ông Bernard Jenkin, cho biết cuộc xung đột ở Ukraine đã vạch trần những "nhà bình luận hoa mỹ cho rằng xe tăng chiến đấu hiện đại chẳng có bất kỳ tiện ích nào trong chiến tranh hiện đại". "[Cuộc xung đột] Ukraine đã cho thấy rằng xe bọc thép là quan trọng", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhấn mạnh.

Kiev lập luận rằng số ít phương tiện do các đồng minh phương Tây cung cấp cho đến nay mới chỉ là bước khởi đầu và đang kêu gọi thêm khoảng 200 đến 300 xe tăng, 600 xe bọc thép bộ binh cũng như 500 khẩu lựu pháo, một loại vũ khí tương tự như đại bác.

Ông Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine, thành viên tại nhóm chuyên gia cố vấn của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Chúng ta cần nắm lấy thế chủ động. Hỗ trợ vũ khí sẽ cho chúng ta cơ hội như vậy".

Chú thích ảnh
Ukraine đang muốn thêm hàng trăm xe bọc thép cho cuộc phản công lớn chống lại Nga. Trong ảnh là xe tăng Leopard 2 của Đức. Ảnh: AP 

Giá trị của xe tăng trong chiến sự hiện đại ở Ukraine

Từ đầu cuộc xung đột, quân đội Ukraine đã sử dụng xe tăng thời Liên Xô do các đồng minh Đông Âu viện trợ hoặc chiếm được từ lực lượng Nga. Nhưng các mẫu xe tăng phương Tây mà giới lãnh đạo Kiev mong muốn sẽ tạo ra một bước thay đổi rõ rệt về năng lực trước nguy cơ leo thang chiến sự vào mùa xuân.

"Tính cơ động là chìa khóa trong một cuộc chiến tranh tấn công", một nhà ngoại giao giấu tên tại một quốc gia EU đang cân nhắc viện trợ xe tăng chiến đấu hiện đại cho Ukraine, nói.

"Nếu Ukraine muốn có bất kỳ cơ hội nào để tiến hành cuộc phản công, họ cần có sự cơ động với súng hạng nặng. Họ cần thứ gì đó thực sự có thể tiêu diệt xe tăng Nga từ xa".

Các chuyên gia cho rằng lãnh thổ bằng phẳng của Ukraine khiến chiến trường này trở thành kịch bản lý tưởng cho xe tăng cơ động, và Kiev cần xe tăng để chiếm lại các vị trí kiên cố ở các thành phố trọng yếu dọc theo tiền tuyến.

Anthony King, giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Warwick ở Anh, cho biết: “Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức một cuộc phản công thứ hai nếu không có lực lượng mạnh hơn".

Các quan chức Ukraine lo ngại các hệ thống tên lửa pháo binh đa nòng HIMARS do Mỹ chế tạo, vốn đã phát huy sức mạnh trong các chiến dịch phản công vào mùa thu năm ngoái, sẽ tỏ ra kém hiệu quả hơn trong lần tới vì đối phương đã di chuyển ra xa hơn để tránh bị bắn trúng. Tình hình đó khiến xe tăng trở nên cần thiết hơn trước.

Giáo sư King cảnh báo nguồn cung toàn cầu đối với HIMARS cũng có thể bắt đầu bị ảnh hưởng trong năm nay.

"Dựa trên tất cả các bằng chứng, họ sẽ không có số lượng pháo chính xác tầm xa như vậy nữa. Vì vậy, họ cần một lực lượng hạng nặng tiếp cận gần hơn - tức là xe tăng và xe chiến đấu - để tạo nên sự khác biệt", ông Kinh nhận định.

Chú thích ảnh
Ukraine đang muốn thêm hàng trăm xe bọc thép cho cuộc phản công lớn chống lại Nga. Trong ảnh là xe tăng Leopard 2 của Đức. Ảnh: AP 

Chiến dịch huy động xe tăng

Các cuộc đàm phán giữa các đồng minh NATO đang tăng tốc sau khi Pháp tuyên bố sẽ tặng xe chiến đấu hạng nhẹ AMX-10 RC cho Kiev trong vòng 2 tháng. Nước Anh đã xác nhận kế hoạch gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 do Anh sản xuất tới Ukraine vào cuối tuần.

Các chính phủ phương Tây có thể đưa ra các cam kết tiếp theo trước cuộc họp vào cuối tuần của các bộ trưởng quốc phòng các nước đồng minh tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ ở Tây Nam nước Đức.

Các quốc gia thành viên EU từ khu vực Baltic và Trung Âu cũng hy vọng một loạt cam kết cá nhân sẽ gây áp lực lên Đức về cho phép các quốc gia khác tái xuất khẩu xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất sang Ukraine.

Một quan chức phương Tây cho biết: “Người Ukraine sẽ không đặc biệt lo lắng về việc xe tăng đến từ đâu, miễn là chúng đến với số lượng đủ lớn”.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine nhận thức rõ về sự khác biệt đáng kể giữa các mẫu tăng mà họ có thể nhận được từ phương Tây.

Xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất có tầm bắn xa, nhưng lại gây khó khăn cho việc tiếp nhiên liệu đối với Ukraine vì động cơ tua-bin khí lớn của chúng tiêu thụ một lượng lớn dầu hỏa.

Và mặc dù mẫu Challenger 2 của Anh sẽ là một cải tiến đáng kể đối với xe tăng thời Liên Xô hiện đang được lực lượng Ukraine sử dụng, chúng không phải là đối thủ của Leopard 2 - Đức, loại xe có thể bắn trúng mục tiêu có kích thước bằng chiếc tủ lạnh ở khoảng cách 3 km trong khi đang di chuyển. Chúng chạy bằng dầu diesel, dễ kiếm hơn dầu hỏa.

Chú thích ảnh
Xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ. Ảnh: military.com

Các quan chức Đức lập luận rằng quyết định cuối cùng về việc triển khai xe tăng Leopard 2 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì Mỹ quyết định làm, và khẳng định các đồng minh cần có một kế hoạch phù hợp để huấn luyện các lực lượng Ukraine về cách vận hành và bảo trì. Điều này sẽ dễ dàng hơn nếu có nhiều quốc gia tham gia.

Ba Lan và Phần Lan đã bày tỏ sẵn sàng gửi xe tăng Leopard 2 nhưng phải đợi Đức bật đèn xanh. Helsinki nói rõ vào tuần trước rằng họ có thể gửi một số lượng nhỏ nếu các quốc gia khác đồng ý với cách tiếp cận tập thể.

Theo hai nhà ngoại giao từ hai quốc gia EU khác, Berlin cũng có thể tặng Kiev một số xe tăng Leopard 1 cũ hơn, được đưa vào sử dụng lần đầu tiên từ năm 1965 nhưng hiện đang lưu kho.

Tất cả các quốc gia đồng minh đều đang lên kế hoạch cung cấp xe tăng một cách từ từ để còn giải quyết nhu cầu huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng chúng cũng như xây dựng chuỗi cung ứng cần thiết để bảo trì.

Tuy vậy, Yuriy Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã làm rõ rằng, quân nhân Ukraine có thể sẵn sàng vận hành xe tăng phương Tây "chỉ trong vài tuần chứ không phải vài tháng" và kêu gọi các đồng minh bắt đầu huấn luyện binh sĩ Ukraine về một loạt thiết bị mới ngay lập tức.

"Càng được huấn luyện càng sớm, chúng tôi càng tiết kiệm được nhiều thời gian, bởi vì theo cách thức vẫn diễn ra cho đến nay, sớm hay muộn, bất kỳ loại vũ khí nào chúng tôi yêu cầu, chúng tôi cũng đều nhận được", ông Sak nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Nhiều tàu chiến Nga ‘biến mất’ khỏi căn cứ, sẽ có cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào Ukraine?
Nhiều tàu chiến Nga ‘biến mất’ khỏi căn cứ, sẽ có cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào Ukraine?

Việc phần lớn tàu chiến mang tên lửa Kalibr của Hạm đội Biển Đen Nga bất ngờ vắng mặt khỏi cảng Novorossiysk đã gây xôn xao. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN