Trụ sở Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) ở Washington, D.C. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ The Kyiv Post ngày 2/7, USAID đã đóng vai trò then chốt tại Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022. Cơ quan này cung cấp hỗ trợ quan trọng trên nhiều lĩnh vực, từ hỗ trợ ngân sách trực tiếp, viện trợ nhân đạo, phát triển kinh tế đến sửa chữa hạ tầng thiết yếu.
Tuy nhiên, theo thông báo hôm 1/7 của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, USAID sẽ không còn cung cấp viện trợ nước ngoài trên toàn cầu. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp quản các chương trình mà chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn duy trì.
Trong một bài đăng trên Substack, ông Rubio mô tả hướng tiếp cận mới là ưu tiên thương mại hơn viện trợ, cơ hội hơn phụ thuộc, đầu tư hơn hỗ trợ.
Trong cuộc họp báo sáng 1/7, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố mô hình của USAID là một “phương thức can dự thất bại” khi không giảm được sự phụ thuộc của các nước vào Mỹ. Họ nói thêm rằng các quốc gia khác sẽ cần phải hành động nhiều hơn.
Một quan chức phát biểu: “Mỹ muốn thấy các hiệp định thương mại, thỏa thuận hợp tác, cam kết cùng làm việc”. Quan chức này nói thêm rằng chính quyền Mỹ đang tìm kiếm các tiêu chí mới để đánh giá hiệu quả các chương trình viện trợ.
Trong bối cảnh đó, ngày 1/7, tờ The Kyiv Post đã phỏng vấn hai cựu quan chức cấp cao Mỹ từng trực tiếp tham gia điều hành các hoạt động của USAID tại Ukraine. Họ lo ngại các chương trình ở Ukraine sẽ không thể tồn tại đến cuối năm nay.
Một cựu quan chức nhấn mạnh: “Mọi người ở USAID đều sẵn sàng hợp tác với chính quyền để xây dựng một chính sách và cách triển khai phù hợp với tinh thần ‘Nước Mỹ trên hết’ tại Ukraine”.
Các quan chức này cho biết Văn phòng Sáng kiến Chuyển tiếp (OTI) của USAID đã cùng đội ngũ 120 người ở Ukraine thảo luận về những ý tưởng mà chính quyền mới đưa ra, như hỗ trợ cho thỏa thuận khoáng sản như thế nào, làm thế nào để tạo điều kiện cho kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump…
Tuy nhiên, khi tình hình trở nên cấp bách, nếu không có USAID, thì Đại sứ quán Mỹ tại Kiev gần như không có mối liên hệ nào để nắm được tình hình ngoài thủ đô. Một cựu nhân viên khác của USAID cho biết: “USAID luôn tìm cách cung cấp thông tin cập nhật nhất về thay đổi bối cảnh và là cơ chế duy nhất có thể phản ứng trước các sự kiện như vụ vỡ đập Kakhovka hay các chiến dịch giành lại Kherson và Kharkiv. Thông qua các hoạt động trực tiếp tại hiện trường, dưới danh nghĩa USAID, người dân Ukraine và các quan chức chính phủ Ukraine biết rằng họ có một đối tác đáng tin cậy. Điều đó đã giúp ích rất nhiều cho chính phủ Mỹ về mặt chính sách”.