Theo tờ Wall Street Journal, thành công bất ngờ của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc DeepSeek đang thách thức hiệu quả của chính sách kiểm soát công nghệ mà Mỹ áp đặt với Trung Quốc, buộc Washington và Thung lũng Silicon phải xem xét lại chiến lược duy trì vị thế dẫn đầu của mình.
Mô hình AI R1 của DeepSeek không chỉ ngang bằng hiệu suất với các mô hình hàng đầu của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp, mà còn được phát triển với chi phí thấp đáng kinh ngạc - dưới 6 triệu USD so với hơn 100 triệu USD của các đối thủ Mỹ. Ứng dụng chatbot của công ty này thậm chí đã vượt qua ChatGPT của OpenAI để đứng đầu Apple Store, khiến các cổ phiếu công nghệ Mỹ như Nvidia mất tới 1.000 tỷ USD giá trị thị trường.
Chính sách "sân nhỏ, hàng rào cao" bị thách thức
Chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa mãn nhiệm đã theo đuổi chính sách được gọi là "sân nhỏ, hàng rào cao" - dựng rào cản nghiêm ngặt để ngăn các công ty Mỹ bán chip tiên tiến và công nghệ quan trọng cho Trung Quốc, nhưng vẫn cho phép các hoạt động kinh doanh khác diễn ra bình thường. Tuy nhiên, thành công của DeepSeek đã cho thấy những hạn chế trong cách tiếp cận này.
Theo Dylan Patel, người sáng lập công ty nghiên cứu chip SemiAnalysis, mặc dù các biện pháp kiểm soát của Mỹ đã làm chậm tiến độ của Trung Quốc trong một số lĩnh vực như sản xuất chip tiên tiến, nhưng sự chậm trễ và những lỗ hổng trong chính sách đã cho phép Trung Quốc tiếp tục tiếp cận các công nghệ bị hạn chế.
Một ví dụ điển hình là việc DeepSeek đã sử dụng hơn 2.000 chip H800 của Nvidia - phiên bản rút gọn của con chip mạnh nhất thời điểm đó - để đào tạo mô hình AI của mình trước khi Mỹ cấm hoàn toàn loại chip này.
Tranh luận về hướng đi mới
Thành công của DeepSeek đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về cách tiếp cận trong tương lai. Alexandr Wang, người đứng đầu Scale AI, kêu gọi thắt chặt các hạn chế xuất khẩu nhưng cũng cảnh báo Mỹ không nên quá phụ thuộc vào biện pháp này mà cần nỗ lực vượt qua đối thủ bằng sáng tạo.
Trong khi đó, Matt Pottinger, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, đề xuất tăng cường kiểm soát thông qua việc hạn chế quyền tiếp cận chất bán dẫn của Trung Quốc và yêu cầu các nhà sản xuất chip bổ sung khả năng theo dõi vị trí của các sản phẩm được kiểm soát xuất khẩu.
Về phần mình, Rebecca Arcesati, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, nhận định Mỹ có thể đang hướng tới việc ngăn chặn toàn bộ hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc phát triển một số năng lực nhất định, bất kể rủi ro an ninh quốc gia cụ thể.
Liên quan đến phản ứng từ Mỹ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer kêu gọi tăng cường hỗ trợ để đảm bảo vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI, trong khi nhà đầu tư Marc Andreessen ví thành công của DeepSeek như "khoảnh khắc Sputnik" - gợi nhớ cuộc đua công nghệ thời Chiến tranh Lạnh.
Về phía Trung Quốc, tờ Hoàn cầu Thời báo nhận định "việc tìm cách kiềm chế sự phát triển công nghệ thông qua hạn chế phần cứng cũng giống như cố gắng đắp đập một con sông lớn trong khi bỏ qua vô số dòng suối cung cấp nước cho nó".
Trước tình hình này, chính quyền Trump đã thông báo đang xem xét các chính sách mới để duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong đổi mới AI và sẽ đề xuất chiến lược cụ thể trong vòng 6 tháng tới.