Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép ở Salzgitter, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trên trang Twitter, Tổng thống Trump đã gắn vấn đề thuế quan, vốn vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế hồi tuần trước, với các vấn đề mà Washington đang gặp phải với nước láng giềng Canada và Mexico. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Thuế quan đối với thép và nhôm sẽ chỉ được xóa bỏ nếu một thỏa thuận NAFTA mới và công bằng được ký kết”, đồng thời đề cập tới “mức thâm hụt thương mại lớn” của Mỹ.
Tổng thống Trump nhắc lại quan điểm rằng NAFTA là “một thỏa thuận tồi” khi đẩy việc làm và các doanh nghiệp khỏi nước Mỹ. Ông cũng cho rằng Canada cần đối xử công bằng hơn đối với nông dân Mỹ, trong khi Mexico cần làm nhiều hơn để ngăn chặn dòng ma túy chảy vào Mỹ. Hiện các nỗ lực tái đàm phán NAFTA đang được tiến hành, trong đó vòng đàm phán thứ 7 dự kiến kết thúc trong ngày 5/3 (theo giờ địa phương).
Trong khi đó, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ áp mức thuế mới 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu tiếp tục vấp phải sự phản đối từ các nước.
Cùng ngày 5/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc Liên minh châu Âu (EU) "phản ứng nhanh chóng" trước kế hoạch của Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu mà ông cho rằng vi phạm các quy định thương mại quốc tế. Phát biểu họp báo sau cuộc gặp với Thủ hiến tỉnh Quebec của Canada - Philippe Couillard, Tổng thống Macron cho rằng điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là EU cần phản ứng nhanh và tương xứng trong khuôn khổ WTO. Ông Macron nhấn mạnh các biện pháp của Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu có thể trở thành "chủ nghĩa dân tộc kinh tế" và là một cuộc chiến mà trong đó tất cả các bên đều thua cuộc.
Chung tâm lý lo ngại, Chính phủ Đức cảnh báo một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương sẽ gây tổn hại cho cả châu Âu và Mỹ. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Seibert cho rằng chiến tranh thương mại không nằm trong các lợi ích của Đức, châu Âu, hay Mỹ.
Ông nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ là một hướng đi "sai lầm", có thể gây tổn hại cho các dòng chảy thương mại quốc tế và tác động tới người lao động và người tiêu dùng ở hai bờ Đại Tây Dương. Ông Seibert cũng cho biết Berlin sẽ theo dõi chặt chẽ động thái của Chính phủ Mỹ trong tuần này và sau đó đưa ra một phản ứng đúng đắn. Ông nêu rõ Chính phủ Đức bảo vệ các thị trường mở và tự do.
Bất chấp những phản ứng của dư luận quốc tế và những quan ngại về một cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khẳng định quyết tâm theo đuổi kế hoạch tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, được ông công bố ngày 1/3 vừa qua. Theo đó, mức thuế mới đối với hai mặt hàng nhập khẩu này sẽ tăng lên 25% đối với thép và 10% đối với nhôm.
Đáng chú ý, mức thuế này được áp dụng đồng loạt với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của tất cả các nước, kể cả các đồng minh của Mỹ. Kế hoạch trên được cho là một bước đi phù hợp với chính sách thương mại "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump với mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài. Đầu năm nay, Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã quyết định tăng thuế đối với các tấm pin năng lượng Mặt trời và máy giặt nhập khẩu vào Mỹ.
Kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều nước và tổ chức quốc tế. Các chuyên gia cho rằng quyết định trên của Tổng thống Mỹ sẽ là đón giáng mạnh vào Canada và Trung Quốc, có thể tạo nên các cuộc chiến thương mại mới, ảnh hưởng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới.