Mỹ đề nghị HĐBA LHQ áp trừng phạt nhiều quan chức cấp cao Nam Sudan

Hãng Reuter ngày 27/5 đưa tin Mỹ đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) một dự thảo nghị quyết, trong đó đề nghị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 6 quan chức cấp cao của Nam Sudan với cáo buộc "phá hoại nỗ lực hòa bình và cản trở hoạt động viện trợ nhân đạo" cho người dân nước này.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo dự thảo nghị quyết, Mỹ đề nghị HĐBA LHQ tiến hành phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với 6 quan chức Nam Sudan, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Kuol Manyang Juk, Bộ trưởng Thông tin Michael Lueth, Bộ trưởng các vấn đề nội các Martin Elia Lomuro, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần Malek Reuben Riak Rengu, cựu Tư lệnh quân đội Paul Malong và Thống đốc bang Bieh Koang Rambang.

Các quan chức trên bị Mỹ cáo buộc "đổ dầu" vào cuộc xung đột ở Nam Sudan như vi phạm lệnh ngừng bắn, ra lệnh cho các lực lượng chính phủ thực hiện các vụ tấn công, cản trở nỗ lực viện trợ nhân đạo cũng như ngăn cản hoạt động của phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan... Ngoài ra, Mỹ cũng đề nghị gia hạn các biện pháp trừng phạt đã áp đặt đối với Nam Sudan thêm một năm nữa.

Dự kiến, HĐBA LHQ sẽ nhóm họp vào ngày 29/5 để thảo luận về dự thảo nghị quyết trên và tiến hành bỏ phiếu và ngày 31/5 tới.

HĐBA LHQ đã áp đặt trừng phạt đối với một số quan chức cấp cao của Nam Sudan thuộc cả hai phe trong cuộc xung đột năm 2015. Mỹ muốn áp đặt thêm lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan hồi tháng 12/2016, nhưng nỗ lực này đã bất thành sau khi Nga tuyên bố việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt hoặc cấm vận vũ khí nhằm vào Nam Sudan sẽ chỉ phản tác dụng.

Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn tháng 12/2013 sau khi tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar nổ ra, dẫn đến cuộc chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với Kiir chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar.

Xung đột và nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến dòng người tìm kiếm tị nạn gia tăng nhanh nhất thế giới. Một thoả thuận hoà bình được ký kết hồi tháng 8/2015 giữa các nhà lãnh đạo đối lập dưới áp lực của LHQ, dẫn tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4/2016. Tuy nhiên, thoả thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ tháng 7/2016.

TTXVN/Báo Tin tức
Nỗ lực giải thoát các trẻ em bị ép buộc đi lính tại Nam Sudan
Nỗ lực giải thoát các trẻ em bị ép buộc đi lính tại Nam Sudan

Ngày 17/4, các tổ chức vũ trang tại Nam Sudan đã trả tự do cho hơn 200 trẻ em bị ép buộc cầm súng, bao gồm 95 bé gái, trong đó có nhiều em chỉ ở độ tuổi 14.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN