Phát biểu tại một sự kiện của Cục Quốc gia về Nghiên cứu châu Á, bà Rosenberger chia sẻ những cuộc trao đổi mà Mỹ đã thực hiện với các đối tác trong khu vực suốt vài tháng qua có vai trò thực sự quan trọng nhằm góp phần làm rõ ý tưởng của Washington về việc theo đuổi một khuôn khổ hợp tác kinh tế.
Theo bà Rosenberger, ý tưởng ban đầu về những lĩnh vực hợp tác kinh tế được Washington đề xuất bao gồm tạo thuận lợi cho thương mại, các tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, cắt giảm carbon và năng lượng sạch, kiểm soát xuất khẩu, thuế quan và chống tham nhũng. Mỹ và các đối tác sẽ tiếp tục tập trung vào quá trình thiết lập những mục tiêu chung và sẽ cùng công bố trong những tháng tới, giai đoạn đầu năm 2022.
Mặc dù không cung cấp thêm thông tin về quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump đã từ bỏ hồi năm 2017, song bà Rosenberger vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy một khu vực tự do, cởi mở và bảo vệ người lao động Mỹ. Bà cho biết các quan chức Mỹ đều cảm thấy “sự cấp bách chung" nhằm đảm bảo Mỹ đạt được vị trí tốt nhất để có thể cạnh tranh.
Chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được cho là thiếu trụ cột hợp tác về kinh tế sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi hiệp định kinh tế, do chính Mỹ khởi xướng, hiện được biết đến với tên gọi CPTPP. Trong khi đó, hồi tháng 9/2021, Trung Quốc thông báo đã nộp hồ sơ xin gia nhập CPTPP.
Đến tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết có khả năng khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được triển khai từ đầu năm 2022, mở đường hình thành một khung hợp tác kinh tế phù hợp hơn, có thể là một thỏa thuận thực tế, tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bà Raimondo nhấn mạnh rằng việc hình thành khung hợp tác kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhằm phát triển các mối quan hệ kinh tế và thương mại năng động với các đối tác ở khu vực mà Mỹ đã duy trì quan hệ thực chất trong thời gian dài.