Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là khu vực định hình tương lai thế giới trong thế kỉ 21. Đây là khu vực tăng trưởng mạnh nhất, chiếm 60% GDP toàn thế giới và chiếm 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm trở lại đây. Khu vực này chiếm hơn 50% dân số thế giới, với sự hiện diện của nhiều nền kinh tế lớn nhất. Tầm nhìn của Mỹ với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tập trung vào 5 điểm then chốt.
Một là, thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, mà ở đó mọi vấn đề nảy sinh sẽ được xử lý một cách công khai, áp dụng các nguyên tắc minh bạch và công bằng; hàng hóa, ý tưởng và con người được tự do di chuyển, cả trên đất liền, không gian mạng và trên biển, với một nền quản trị minh bạch, hướng đến người dân.
Cùng thời điểm, Mỹ đang và sẽ hợp tác với đồng minh, đối tác, bảo đảm một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở, tiếp cận được với tất cả các bên. Mỹ quyết tâm theo đuổi tự do hàng hải ở Biển Đông và có lợi ích gắn chặt với hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan.
Hai là, Mỹ sẽ tạo dựng kết nối nội khối và vươn xa mạnh mẽ hơn. Mỹ sẽ làm sâu sắc liên minh hiệp ước với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Mỹ cũng sẽ thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa các đồng minh này, tìm kiếm cách thức để gắn kết đồng minh hiệp ước với các đối tác của Mỹ, như cách Mỹ từng làm với “Nhóm bộ tứ” (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản).
Can dự cấp cao của chính quyền Mỹ với khu vực cho thấy tầm quan trọng của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với Mỹ và toàn cầu. Hai nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Joe Biden đón tiếp tại Nhà Trắng sau khi lên cầm quyền là lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc. Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã có chuyến công du tới Singapore và Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.
Vai trò trung tâm của ASEAN là nền tảng cho cấu trúc khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, bởi một ASEAN hùng mạnh và độc lập là nhân tố quan trọng giúp xử lý những khủng hoảng cấp thời cũng như những thách thức dài hạn. Tổng thống Biden cũng sẽ mời các nhà lãnh đạo ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN dự kiến diễn ra sau một vài tháng tới.
Ba là, Mỹ sẽ thúc đẩy thịnh vượng dựa trên nền tảng rộng rãi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã vượt hơn 1.000 tỉ USD và Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn nữa đề đáp ứng lời kêu gọi từ khu vực. Theo định hướng của Tổng thống Biden, Mỹ đang xây dựng Khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương toàn diện, một nền tảng theo đuổi các mục tiêu chung, trong đó có thúc đẩy thương mại, kinh tế số và công nghệ số, duy trì chuỗi cung ứng bền vững, trung hòa carbon, năng lượng sạch, phát triển hạ tầng.
Mỹ cũng đang hợp tác với đối tác để duy trì một chuỗi cung an toàn và bền vững hơn. Đại dịch COVID-19 đã làm phát lộ tính chất dễ bị tổn thương của chuỗi cung, cho thấy những thiệt hại lớn mà đứt gãy sản xuất, chuỗi cung tây ra, điển hình là tình trạng thiếu hụt khẩu trang, chip bán dẫn cũng với đó là tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.
Cùng lúc, Mỹ cũng sẽ thúc đẩy hạ tầng chất lượng, tiêu chuẩn cao mà khu vực muốn hướng đến. Kế hoạch “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn (B3W)”, một sáng kiến được G7 khởi xướng hồi tháng 6 vừa qua, cam kết huy động nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỉ USD cho hạ tầng bảo đảm yếu tố minh bạch và bền vững trong nhiều năm tới.
Bốn là, Mỹ sẽ hỗ trợ xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phục hồi bền vững. Đại dịch COVID-19 cùng với khủng hoảng khí hậu cho thấy tính cấp thiết của nhiệm vụ này. Mỹ đã viện trợ, cung ứng 300 triệu liệu vaccine an toàn, hiệu quả cho thế giới, trong đó có 100 triệu liệu được chuyển đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ cũng đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các dự án năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu trên khắp khu vực, tạo ra các công việc sạch, xanh ở cả Mỹ và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ đang hợp tác với các nước trong khu vực nhằm thiết lập khả năng kháng cự trước các mối đe dọa hiện hữu đến từ khủng hoảng khí hậu, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch tại khu vực.
Cuối cùng, Mỹ sẽ tăng cương an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các mối đe dọa đang biến đổi, đòi hỏi cách tiếp cận an ninh phải có sự thích ứng. Để làm được điều đó, Mỹ sẽ dựa vào sức mạnh lớn nhất mà mình có được: Đó chính là các liên minh và đối tác. Mỹ sẽ thông qua chiến lược “răn đe kết hợp”, một chiến lược sẽ kết nối chặt chẽ tất cả các công cụ của sức mạnh quốc gia Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác.
Quan hệ đối tác tăng cường ba bên giữa Mỹ với Australia và Anh (AUKUS) là một minh chứng sống động. AUKUS sẽ thúc đẩy lợi ích chiến lược của các bên, đề cao một trật tự quốc tế thượng tôn pháp luật và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.