Tổng thống Joe Biden ngày 11/8 tuyên bố rõ ông không hối tiếc và không có ý định đảo ngược quyết định của cá nhân ông hồi mùa xuân vừa qua về rút toàn bộ binh sĩ, lực lượng Mỹ ở Afghanistan về nước, ngay cả khi Taliban đang ở rất gần mục tiêu kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Lính Mỹ rút đi, Taliban đẩy nhanh lấn chiếm, nhưng giới chức quân đội Mỹ cũng không có ý gây sức ép để buộc ông Biden thay đổi ý định.
Tính đến ngày 12/8, Taliban đã kiểm soát 11 thủ phủ trên tổng số 34 tỉnh ở Afghanistan, mới nhất là thành phố lớn thứ hai đất nước Kandahar. Taliban kiểm soát trên thực tế hơn 2/3 lãnh thổ Afghanistan. Không có không quân, lực lượng thua kém quân chính phủ về quân số, nhưng Taliban đã hoàn toàn áp đảo quân chính phủ trong mấy tuần giao tranh vừa qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby cho rằng chính quyền Kabul vẫn còn đủ thời gian để tránh một thất bại toàn diện. Theo ông, quân chính phủ đủ sức bảo vệ Kabul, nhưng mọi chuyện phụ thuộc vào giới lãnh đạo chính trị, quân sự Afghanistan. Ông cũng khẳng định đây là lúc quân đội, lực lượng an ninh Afghanistan phải chiến đấu vì đất nước và vì chính họ.
Mỹ vừa qua vẫn hỗ trợ quân đội Afghanistan bằng các cuộc không kích hạn chế chặn đường Taliban. Nhưng từng đó là không đủ để tạo ra sự khác biệt chiến lược trên chiến trường. Hoạt động này có thể cũng sẽ chấm dứt sau khi Lầu Năm Góc hoàn tất việc rút quân vào ngày 31/8 tới. Ông Biden có thể quyết định vẫn triển khai không kích sau thời hạn chót này, nhưng đó là khả năng thấp nếu như nhìn vào những phát biểu kiên định trước đó của ông chủ Nhà Trắng.
Cục diện xoay chiều theo hướng có lợi cho Taliban buộc Mỹ phải điều quân trở lại, nhưng không phải là hiện diện lâu dài hay hỗ trợ quân đội chính phủ Afghanistan. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã nhóm họp và thảo luận về kế hoạch sơ bộ rút nhân viên Đại sứ quán ở Kabul, số thông dịch viên, đối tượng cộng tác với Mỹ ở Afghanistan và công dân Mỹ về nước. Kế hoạch này có liên quan đến việc triển khai quân đội, máy bay, phương tiện để phục vụ chiến dịch sơ tán trong phạm vi Afghanistan và khu vực lân cận.
Ông Kirby cho biết Mỹ sẽ điều 3.000 quân tới sân bay quốc tế ở Kabul để thực hiện sứ mệnh này. Đợt điều quân đầu tiên sẽ là 3 tiểu đoàn bộ binh đang làm nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy trung tâm. Số này này sẽ tới Sân bay quốc tế Hamid Karzai trong 1-2 ngày tới. Mỹ cũng sẽ điều 3.500-4.000 binh sĩ tới Kuwait làm lực lượng dự bị phòng trường hợp 3.000 lính ở Afghanistan bị quá tải. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 5.000 nhân viên dân sự và quân sự của Mỹ sống và làm việc tại Đại sứ quán và sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul.
Giới chức quân sự Mỹ đã gửi cảnh báo trực tiếp tới Taliban về đòn đáp trả mạnh nếu như lực lượng này tấn công vào binh sĩ hay công dân Mỹ trong thời gian Mỹ triển khai quân sự tạm thời ở Afghanistan. “Việc binh sĩ Mỹ tới Kabul không đồng nghĩa với việc Mỹ quay trở lại giao tranh với Taliban. Đây là sứ mệnh tạm thời, với một mục tiêu trọng tâm hẹp”, ông Kirby nói.