Kênh CNN (Mỹ) và kênh RT (Nga) đưa tin lực lượng Taliban tiếp tục có những bước tiến áp đảo trên thực địa khi giành quyền kiểm soát hai thành phố Herat và Ghazni từ các lực lượng Chính phủ Afghanistan.
Đây là bước tiến được đánh giá có ý nghĩa xoay chuyển cục diện, mang tính quyết định. Herat là thành phố lớn thứ 3, một trung tâm dân cứ lớn ở miền Tây Afghanistan. Theo giới chức Afghanistan, thành phố này đã thất thủ và hoàn toàn do Taliban kiểm soát từ tối 12/8 (theo giờ địa phương). Herat, thành phố có 1 sân bay quốc tế, nằm trên con đường huyết mạch chạy tới biên giới Iran và Turkmenistan.
Trong khi đó, Ghazni là một tỉnh lị có vị trí chiến lược nằm trên con đường tiến vào thủ đô Kabul. Nasir Ahmad Faqiri, người đứng đầu hội đồng tỉnh ở Ghazni, xác nhận thành phố này đã rơi vào tay Taliban. Ghazni, nơi chỉ cách thủ đô Kabul khoảng 150km, đóng vai trò là lá chắn của thủ đô. Trước đó, thành phố lớn thứ 2 của Afghanistan – Kandahar – cũng thất thủ sau khi quân chính phủ rút lui.
Như vậy, kể từ Mỹ và liên quân bắt đầu quá trình rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 5 tới nay, Taliban đã đánh chiếm 11 tỉnh lị/thành phố lớn và giành quyền kiểm soát gần 2/3 lãnh thổ quốc gia Tây Nam Á này.
Sau khi Ghazni thất thủ, Taliban hiện đã nắm quyền kiểm soát các địa điểm quan trọng ở cả phía bắc và phía nam thủ đô Kabul, đồng thời cô lập thành phố này với phần còn lại của đất nước. Giới chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá việc Taliban chiếm được một số khu vực của tỉnh Baghlan, ở phía Bắc Kabul, đã khiến Washington phải “báo động đỏ” vì đây là khu vực phòng thủ trọng yếu nhất của Kabul.
Trước những diễn biến nhanh chóng trên thực địa, Washington đã chuẩn bị sẵn phương án triển khai lính thủy quân lục chiến để sơ tán khẩn cấp Đại sứ quán Mỹ ở Kabul.
Mỹ và Đức ngày 12/8 kêu gọi các công dân của mình rời khỏi Afghanistan ngay lập tức, trong bối cảnh các cuộc tấn công ồ ạt của Taliban diễn trên khắp Afghanistan và cùng ngày lực lượng phiến quân đã chiếm được thành phố chiến lược Ghazni chỉ cách thủ đô Kabul khoảng 150km.
Theo thông báo trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, Mỹ hối thúc các công dân nước này rời khỏi Afghanistan ngay lập tức bằng các chuyến bay thương mại sẵn có. Thông báo cũng lưu ý “do điều kiện an ninh hiện tại và cắt giảm nhân viên, khả năng của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ các công dân Mỹ tại Afghanistan hiện cực kỳ hạn chế, ngay cả ở thủ đô Kabul”. Trong tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington đang theo dõi và cập nhật hàng ngày về môi trường an ninh xung quanh đại sứ quán Mỹ tại Kabul trước khả năng phải tiến hành sơ tán khẩn cấp.
Cũng trong ngày 12/8, Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi các công dân của mình sử dụng các chuyến bay thương mại hiện có để rời khỏi Afghanistan. Đầu tuần này Bộ Quốc phòng Đức đã bác bỏ khả năng đưa quân trở lại Afghanistan, sau khi phiến quân Taliban chiếm được thành phố Kunduz nơi triển khai các binh sĩ Đức trong hơn một thập kỷ.
Đức từng có số quân đông thứ hai sau Mỹ tại Afghanistan. Số binh sĩ Đức thiệt mạng tại Kunduz cũng cao hơn bất kỳ chiến trường nào mà Berlin từng gửi quân can dự kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Kênh Al Jazeera ngày 12/8 dẫn lời người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar, ông Suhail Shaheen, khẳng định phong trào này sẵn sàng tham gia chính phủ chuyển tiếp và không có ý định lật đổ Tổng thống Ashraf Ghani. Tuy nhiên, hiện Taliban vẫn chưa nhận được bất kỳ đề xuất chia sẻ quyền lực nào từ chính phủ hiện nay ở Afghanistan.
Trước đó cùng ngày, kênh này và hãng tin AFP của Pháp đưa tin Chính phủ Afghanistan đã đề xuất với Taliban một thỏa thuận chia sẻ quyền lực để chấm dứt tình trạng bạo lực tại nước này. Theo hãng trên, đoàn đàm phán Afghanistan đã trao thỏa thuận đề xuất chia sẻ quyền lực với Taliban cho Qatar - nước đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa các lực lượng tại Afghanistan, bao gồm cả chính phủ và Taliban.