Đại sứ Thomas Hushek đã được triệu hồi về nước vào tháng 11 vừa qua, trong bối cảnh các bên đối địch tại Nam Sudan không thành lập được chính phủ đoàn kết theo đúng thời hạn đã cam kết. Động thái này đã khiến quan hệ giữa Nam Sudan và Mỹ - quốc gia viện trợ nhân đạo lớn nhất cho Nam Sudan và dẫn đầu tiến trình hòa bình tại nước này - trở nên căng thẳng.
Trong tuần qua, Mỹ đã áp đặt trừng phạt 2 bộ trưởng đương nhiệm của Nam Sudan gồm Bộ trưởng Quốc phòng Kuol Manyang Juuk và Bộ trưởng Nội vụ Martin Elia Lomuro, với cáo buộc cản trở nỗ lực thực thi thỏa thuận hòa bình 2018. Theo đó, các nhân vật này bị cấm đến Mỹ và bất cứ tài sản nào họ có ở Mỹ đều bị phong tỏa. Trước đó, Washington cũng đã áp đặt trừng phạt 5 quan chức tình báo của Nam Sudan với những cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc 2 nhà hoạt động đối lập tại thủ đô Nairobi của Kenya hồi năm 2017.
Giới chức Nam Sudan đã phản đối các lệnh trừng phạt trên của Mỹ. Tuy nhiên, ông Hushek tuyên bố Washington hoàn toàn có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo nếu các cuộc đàm phán hoà bình Nam Sudan không có tiến triển. Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét đánh giá lại quan hệ với Nam Sudan.
Xung đột ở Nam Sudan bắt đầu nổ ra kể từ tháng 12/2013 sau khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Giao tranh đã diễn ra ác liệt giữa lực lượng ủng hộ hai bên. Thoả thuận hoà bình được ký kết tháng 9/2018 ấn định thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vào tháng 5 vừa qua, song do hai bên không tìm được tiếng nói chung nên quyết định gia hạn 6 tháng để thành lập chính phủ vào tháng 11. Sau khi không giải quyết được những bất đồng chủ yếu liên quan vấn đề an ninh, một lần nữa hai bên quyết định hoãn thành lập chính phủ chuyến tiếp thêm 100 ngày.