Giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của của chiến dịch quân sự đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt. Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Trước đó, các nước phương Tây cũng đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tập đoàn Shell của Anh thông báo rút khỏi các dự án ở Nga và sẽ không mua dầu mỏ và khí đốt của nước này, đồng thời gửi lời xin lỗi vì đã mua 1 chuyến dầu thô của Nga hồi tuần trước.
Dự kiến, vào khoảng 16h00 giờ GMT (tức 23h00 theo giờ Việt Nam) ngày 8/3, Chính phủ Anh cũng công bố các biện pháp giảm phụ thuộc dần vào việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng thế giới không thể đơn giản ngừng sử dụng dầu mỏ và khí đốt của Nga, song có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi theo hướng giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.