Ba Lan muốn lập tức gửi toàn bộ chiến đấu cơ MiG-29 cho Mỹ

Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau tuyên bố nước này muốn “ngay lập tức” gửi toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 của mình cho Mỹ, và Washington tuỳ ý quyết định có chuyển giao chúng cho Ukraine hay không.

Chú thích ảnh
Một máy bay MiG-29 của Không quân Ba Lan. Ảnh: AFP

Theo trang Defensenews.com, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau ngày 8/3 cho biết nước này muốn “ngay lập tức” gửi toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô của mình tới căn cứ không quân Ramstein ở Đức, và từ đây Washington sẽ tuỳ ý quyết định có chuyển giao chúng cho Ukraine hay không cũng như chuyển giao bằng cách nào.

“Máy bay được cung cấp miễn phí”, ông Zbigniew Rau khẳng định trong một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Ba Lan.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Ba Lan sở hữu gần 30 chiếc MiG-29 sẵn sàng chiến đấu. Và các phi công của lực lượng không quân Ukraine được huấn luyện cũng như có nhiều kinh nghiệm điều khiển máy bay chiến đấu thời Liên Xô.

Ngoại trưởng Ba Lan cho biết thêm: “Đồng thời, Ba Lan yêu cầu Mỹ cung cấp cho chúng tôi những chiếc máy bay đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương ứng. Ba Lan đã sẵn sàng thiết lập ngay các điều kiện mua máy bay". Ông Rau cũng đề nghị các đồng minh NATO khác sở hữu máy bay MiG-29 từ thời Liên Xô có quyết định tương tự. 

Trang Defensenews cho biết các quan chức Lầu Năm Góc cho hay họ đã xem thông tin được công bố và "không có gì để cung cấp vào lúc này".

Trước đó, giới chức Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO hoặc Liên minh châu Âu, đã cầu xin sự hỗ trợ quân sự nhiều hơn từ Mỹ và các nước châu Âu khi đối mặt với chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại Nga sẽ trả đũa các nước gửi máy bay và các hệ thống tác chiến lớn khác tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

Cho đến nay các nước phương Tây đã cung cấp một loạt vũ khí chống tăng, thiết bị chiến đấu và các nguồn lực khác, nhưng vẫn né tránh việc triển khai binh sĩ hoặc các phương tiện máy bay, xe cộ quân sự.

Xem máy bay MiG-28 cất cánh tại triển lãm Royal International Air Tattoo (RIAT) 2015 tại Anh:

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tờ Air Force Times hôm 8/3 rằng Washington đang phối hợp với Ba Lan và tham khảo ý kiến các đồng minh NATO khác về vấn đề chuyển giao máy bay MiG-29.

“Đây là quyết định có chủ quyền của Ba Lan. Chúng tôi không có cách nào phản đối việc Ba Lan chuyển máy bay cho Ukraine”, người phát ngôn trên khẳng định.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lưu ý rằng vẫn còn một số “vấn đề thực tế đầy thách thức”, chẳng hạn như cách thức các nước NATO giao máy bay MiG-29 cho Ukraine.

“Chúng tôi rất ủng hộ việc họ cung cấp những chiếc MiG, SU - những chiếc máy bay mà người Ukraine có thể điều khiển, cho Ukraine” - Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hôm 6/3 - “Nhưng chúng tôi cũng muốn xem liệu chúng tôi có thể giúp được gì không trong việc đảm bảo rằng bất cứ thứ gì họ cung cấp cho người Ukraine, thì nó sẽ được bù đắp để lấp đầy bất cứ khoảng trống an ninh nào có thể xảy ra với Ba Lan. Chúng tôi đang tích cực thảo luận về vấn đề đó lúc này”.

Thông báo của Ngoại trưởng Ba Lan đã gây bất ngờ với các quan chức Mỹ mặc dù cuộc đàm phán về vấn đề này đã diễn ra vài ngày nay.

Chú thích ảnh
Phi công Ba Lan điều khiển hai máy bay thời Liên Xô Mig-29 bay phía trên và dưới là hai máy bay F-16 do Mỹ sản xuất tại Triển lãm Hàng không ở Radom, Ba Lan, ngày 27/8/2011. Ảnh AP 

Trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào chiều 8/3 (theo giờ địa phương), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết bà đã biết tin khi đang trên đường đến Điện Capitol.

“Tôi nghĩ đó thực sự là một động thái bất ngờ của người Ba Lan”, bà Nuland nói và cho biết thêm:“Tôi rất mong quay trở lại bàn làm việc của mình để xem chúng tôi sẽ đáp lại thế nào trước đề xuất này của họ và đưa ra các kế hoạch cho chúng tôi”.

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ohio Rob Portman, một thành viên của Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã thúc giục chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch trang bị máy bay F-16 hoặc một loại phản lực tương tự cho Ba Lan, “để đảm bảo việc chuyển giao [MiG-29] có thể xảy ra và khuyến khích các đồng minh khác noi gương Ba Lan”.

Trong cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Nuland, Thượng nghị sĩ Portman gọi thông báo của Ba Lan là “một dấu hiệu tốt”, bày tỏ hy vọng Warsaw cũng sẽ chuyển giao các máy bay Su-25, và hai nước Slovakia, Bulgaria cũng sẽ có động thái tương tự.

Lực lượng không quân Ukraine sử dụng các máy bay chiến đấu phản lực Mig-29 và Su do Liên Xô sản xuất để bảo vệ bầu trời và lãnh thổ. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2, Kiev đã kêu gọi Mỹ viện trợ thêm máy bay chiến đấu để có thể duy trì sứ mệnh này, nhưng không phải là máy bay do Mỹ sản xuất. Lý do là các phi công quân sự của Ukraine không được đào tạo để lái máy bay chiến đấu của Mỹ và họ được trang bị tốt hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn khi điều khiển các máy bay MiG-29 hoặc Su, vốn cũng đang được các nước thành viên NATO là Ba Lan, Bulgaria và Slovakia sử dụng.

Bất chấp lập trường ủng hộ Ukraine, Ba Lan đang phải đối mặt với một quyết định quan trọng và đầy thách thức liên quan đến việc cung cấp máy bay cho Ukraine. Nga đã cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine không nên “chứa chấp” máy bay chiến đấu của Kiev trên lãnh thổ mình, tuyên bố Moskva có thể coi đó là “sự tham gia của họ vào xung đột quân sự”.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Điểm danh tên lửa phòng không vác vai, diệt tăng uy lực ở Ukraine
Điểm danh tên lửa phòng không vác vai, diệt tăng uy lực ở Ukraine

Tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) cùng với hệ thống vũ khí chống tăng được coi nhân tố quan trọng trong cuộc xung đột Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN