Lý do Mỹ ‘bật đèn xanh’ cho Ba Lan gửi máy bay chiến đấu cũ đến Ukraine

Washington đang "bật đèn xanh" để Ba Lan chuyển máy bay chiến đấu cũ thời Liên Xô cho Ukraine, và bù lại bằng đội F-16. Nhưng Warsaw tỏ ra thận trọng với ý tưởng này.

Chú thích ảnh
Phi công Ba Lan điều khiển hai máy bay thời Liên Xô Mig-29 bay phía trên và dưới là hai máy bay F-16 do Mỹ sản xuất tại Triển lãm Hàng không ở Radom, Ba Lan, ngày 27/8/2011. Ảnh AP 

Theo hãng tin AP, trong cuộc gọi video với các nhà lập pháp Mỹ vào cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã khẩn cầu Mỹ giúp Kiev có thêm máy bay chiến đấu để bảo vệ quyền kiểm soát không phận của mình trong cuộc xung đột với Nga.

Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đã “bật đèn xanh” cho ý tưởng này và đang “rất, rất tích cực” xem xét một đề xuất mà theo đó nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan sẽ cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu thời Liên Xô, sau đó được "bù lại" bằng các máy bay F-16 của Mỹ.

Tuy nhiên, đề xuất trên không chắc chắn về tính khả thi và Ba Lan không tỏ ra nhiệt tình, chủ yếu là do Nga đã cảnh báo rằng việc Warsaw hỗ trợ lực lượng không quân Ukraine sẽ bị coi là tham gia vào cuộc xung đột và có thể bị trả đũa. Trong những bình luận chính thức, quốc gia thành viên NATO và EU này chỉ xác nhận về những cuộc đàm phán đang diễn ra về chủ đề này.

Tại sao Ukraine cần máy bay chiến đấu, nhưng không phải của Mỹ?

Lực lượng không quân Ukraine sử dụng các máy bay chiến đấu phản lực Mig-29 và Su do Liên Xô sản xuất để bảo vệ bầu trời và lãnh thổ. Sức mạnh Không quân Ukraine thua xa lực lượng không quân hùng mạnh của Nga. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine từ ngày 24/2, Kiev đã kêu gọi Mỹ viện trợ thêm máy bay chiến đấu để có thể duy trì sứ mệnh này, nhưng không phải là máy bay do Mỹ sản xuất.

Lý do là các phi công quân sự của Ukraine không được đào tạo để lái máy bay chiến đấu của Mỹ và họ được trang bị tốt hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn khi điều khiển các máy bay MiG-29 hoặc Su, vốn cũng đang được các nước thành viên NATO là Ba Lan, Bulgaria và Slovakia sử dụng.

Xem video máy bay rơi trên bầu trời đêm ở Kharkiv, Ukraine (Nguồn: Dailymail)

Phản ứng dè dặt của Ba Lan

Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói rằng Mỹ đã “bật đèn xanh" cho Ba Lan gửi máy bay đến Ukraine. “Hiện chúng tôi đang tích cực xem xét vấn đề các máy bay mà Ba Lan có thể cung cấp cho Ukraine và cách chúng tôi có thể bù đắp nếu Ba Lan quyết định cung cấp những máy bay đó. Tôi không thể nói về lịch trình, nhưng chỉ có thể nói với bạn rằng chúng tôi đang xem xét nó rất, rất tích cực” – ông Blinken nói hôm 6/3 tại Moldova.

Tuy nhiên, Ba Lan đã đáp lại rất thận trọng.  “Về việc gửi máy bay, tôi chỉ có thể nhắc lại rằng không có quyết định nào được đưa ra về chủ đề này” - phát ngôn viên chính phủ Ba Lan, Piotr Mueller  định.

Ông Mueller bác bỏ cáo buộc cho rằng Ba Lan có thể đang chuẩn bị sẵn sàng các sân bay để phục vụ máy bay chiến đấu của Ukraine. Trước đó, Nga cho rằng Romania và một số quốc gia khác mà họ không nêu tên đang “chứa chấp” máy bay chiến đấu của Ukraine.

Trong khi đó, Ba Lan tuyên bố ủng hộ Ukraine về mặt chính trị, ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước này, và ở cấp độ nhân đạo, Warsaw mở cửa biên giới cho những người tị nạn từ các quốc gia không thuộc EU.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Chisinau, Moldova ngày 6/3/2022. Ảnh: AP 

Những thách thức với việc viện trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine

Bất chấp lập trường ủng hộ Ukraine, Ba Lan đang phải đối mặt với một quyết định quan trọng và đầy thách thức liên quan đến việc cung cấp máy bay cho Ukraine.

Nga đã cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine không nên “chứa chấp” máy bay chiến đấu của Kiev trên lãnh thổ mình, tuyên bố Moskva có thể coi đó là “sự tham gia của họ vào xung đột quân sự”. Điều đó có thể đồng nghĩa một sự mở đầu cho quan hệ thù địch.

Ba Lan có chung biên giới với cả Ukraine và Nga (tại vùng Kaliningrad – vốn tách rời với lãnh thổ chính của Nga) và chung đường biên giới dài với Belarus, một đồng minh thân cận của Moskva. Mối quan hệ giữa Warsaw và Moskva đang ở mức thấp kể từ khi chính phủ cánh hữu lên nắm quyền ở Ba Lan vào năm 2015.

Một trong những vấn đề chính là những chiếc MiG của Ba Lan, nếu được cung cấp cho Ukraine, sẽ đóng căn cứ ở đâu, vì chúng không thể ở trên đất NATO. Không rõ liệu Ukraine có thể cung cấp căn cứ và đảm bảo khả năng phục vụ lâu dài của phi đội này hay không trong bối cảnh xung đột đang nổ ra trên lãnh thổ.

Chú thích ảnh
 Tiêm kích Su-27 của Ukraine bay phía trên căn cứ quân sự ở vùng Zhytomyr ngày 6/12/2018. Ảnh: AP 

Câu hỏi thứ hai là làm thế nào để đưa máy bay tới Ukraine. Các phi công Ba Lan, cũng là phi công NATO, không thể lái chúng tới Ukraine mà không gây ra rủi ra khiến NATO can thiệp vào xung đột. Việc đưa phi công Ukraine tới Ba Lan để lái số máy bay đó về cũng gặp khó khăn.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất máy F-16 của Mỹ cũng đang còn tồn đọng nhiều đơn hàng. Có nghĩa là các quốc gia có khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu MiG và Su của họ cho Ukraine sẽ cần phải chờ đợi lâu mới có được những chiếc F-16 “bù đắp”.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio thừa nhận: “Có những phức tạp đi kèm. Không chỉ là đơn giản là bàn giao [máy bay cho Ukraine]. Bạn phải bay những cái đó. Bạn phải đặt chúng ở đâu đó trên mặt đất. Và... người Nga đã phóng khá nhiều, từ 8 đến 12 quả tên lửa xuống một sân bay ở phía tây Ukraine. Đó chỉ là một phần của chiến lược loại bỏ những địa điểm để vận hành những máy bay đó".

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Tổng thống Biden đọc Thông điệp liên bang đầu tiên; Đàm phán Nga-Ukraine đạt bước tiến nhân đạo
Thế giới tuần qua: Tổng thống Biden đọc Thông điệp liên bang đầu tiên; Đàm phán Nga-Ukraine đạt bước tiến nhân đạo

Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra những phát biểu quan trọng trong Thông điệp liên bang đầu tiên giữa thời điểm nhiều biến động và hoà đàm Nga-Ukraine có tiến triển về vấn đề nhân đạo là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN