Hãng tin AP dẫn thông tin từ người phát ngôn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, ông Andriy Tuz phát biểu trên truyền hình cho biết, các quả đạn pháo đã rơi trực tiếp xuống nhà máy điện này và gây cháy tại một trong 6 lò phản ứng. Lò phản ứng này đang được cải tạo và không hoạt động, nhưng có nhiên liệu hạt nhân bên trong – ông Tuz cho biết.
Cũng theo người phát ngôn trên, các lính cứu hoả Ukraine không thể tiếp cận gần đám cháy do xung đột.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng thông báo trên Twitter cho biết hoả hoạn đã xảy ra tại nhà máy Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Một quan chức chính phủ nói với AP rằng mức độ bức xạ cao đã được phát hiện gần khu vực của nhà máy Zaporizhzhia, nơi cung cấp khoảng 25% sản lượng điện của Ukraine. Quan chức này giấu tên vì thông tin vẫn chưa được công bố rộng rãi.
Trong khi đó, phía Nga chưa có phản hồi trước những thông tin về vụ cháy này.
Giao tranh tại Enerhodar, một thành phố bên bờ sông Dnepr của Ukraine, nơi đặt nhà máy điện Zaporizhzhia, diễn ra trong khi vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận dự kiến thiết lập các hành lang an toàn bên trong Ukraine để sơ tán công dân và cung cấp viện trợ nhân đạo.
Xem video khung cảnh đổ nát ở thị trấn Borodyanka, gần Kiev do máy bay không người lái ghi lại (Nguồn: Dailymail)
Trước đó, theo hãng tin TASS, Nga đã thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng quân đội nước này đã kiểm soát khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhskaya và mức phóng xạ tại đây là bình thường.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết hôm 2/3: "Nga đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng các lực lượng quân sự của họ đã giành quyền kiểm soát vực xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine".
Ngày 3/3, IAEA cũng đã kêu gọi các lực lượng quân sự kiềm chế hoạt động gần Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tổng giám đốc Rafael Mariano Grossi cho biết tình hình ở Enerhodar, nơi đặt nhà máy Zaporizhzhia là "nguy cấp" và kêu gọi các lực lượng quân sự trên thực địa kiềm chế bạo lực gần khu vực này.
“IAEA tiếp tục tham khảo ý kiến của Ukraine và các nước khác nhằm hỗ trợ tối đa cho quốc gia này khi họ tìm cách duy trì an ninh và an toàn hạt nhân trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay”, ông Grossi cho biết trong một tuyên bố.
Video một cơ sở trữ dầu diesel ở Chernihiv, miền bắc Ukraine bốc cháy do chiến sự (Nguồn: Dailymail)
Trước đó, hôm 27/2 Bộ Quốc phòng Nga thông báo các lực lượng vũ trang nước này đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine, nơi đã ngừng hoạt động sau thảm hoạ năm 1986.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết lực lượng Nga đã đạt thoả thuận với phía Ukraine để đảm bảo an ninh cho nhà máy Chernobyl và mái vòm bảo vệ an toàn tại cơ sở này. Mức độ bức xạ tại khu vực nhà máy được khẳng định là trong ngưỡng bình thường.
Ukraine bắt đầu phát triển năng lượng hạt nhân từ thời Liên Xô, với việc xây dựng nhà máy điện Chernobyl gần thủ đô Kiev vào những năm 1970.
Hiện tại Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hạt nhân, với 15 lò phản ứng đang hoạt động tại 4 địa điểm, tạo ra khoảng một nửa sản lượng điện của quốc gia này.