Theo ông Daniel Van Boom, học giả cấp cao về vấn đề toàn cầu ở Sydney (Australia), vào năm 2021, Chính phủ Australia đã có một cuộc tranh luận với tập đoàn Alphabet và Meta về việc liệu các công ty truyền thông, báo chí có nên được trả tiền cho các bài báo xuất hiện trong nguồn cấp dữ liệu Facebook và tìm kiếm của Google hay không.
Vấn đề này dẫn đến những cuộc họp kín giữa các giám đốc điều hành công nghệ và Thủ tướng Australia. Tiếp theo là sự biến mất đột ngột của tin tức trên Facebook và cuối cùng là luật đầu tiên trên thế giới ra đời, quy định việc các công ty công nghệ hàng đầu thế giới (Big Tech) phải chi trả hàng trăm triệu USD để trả cho các nhà xuất bản tin tức nếu đăng tải nội dung của họ.
Tranh cãi về khoản phí trả cho báo chí
Hai năm sau, tranh cãi lại tiếp tục nổi lên, nhưng lần này là Chính phủ Canada đối đầu với Google và Meta. Canada đang trong quá trình thông qua Đạo luật Tin tức trực tuyến. Theo đó, luật sẽ buộc Google và Meta đàm phán với các đài truyền hình, đài phát thanh và nhà xuất bản tin tức của Canada về khoản phí cho các bài báo được chia sẻ trên Facebook hay hiển thị trong các công cụ tìm kiếm của Google. Nếu không thỏa thuận được, một hội đồng trọng tài sẽ quyết định số tiền mà các nhà xuất bản tin tức được trả.
Luật mới của Canada chắc chắn sẽ quy định khoản phí phải trả không hề rẻ. Google và Meta đã phải chi cho các thỏa thuận trị giá ít nhất 130 triệu USD hàng năm tại Australia sau khi một dự luật tương tự, được gọi là Bộ Quy tắc Thương lượng truyền thông tin tức, được thông qua vào tháng 2/2021. Chi phí ở Canada có thể cao hơn nhiều khi Thượng nghị sĩ Canada Peter Harder nêu rõ rằng “Big Tech” sẽ thanh toán hóa đơn cho từ 30% đến 35% chi tiêu của các ấn phẩm tin tức đủ điều kiện.
Diễn biến ở Australia và Canada về mối quan hệ giữa Big Tech với báo chí có thể lan sang các quốc gia như Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha, nơi đã xuất hiện tranh chấp về vấn đề cấp phép để đăng tải nội dung tin tức. Ông Michael Geist, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về internet và thương mại điện tử của Canada, cho biết nếu các luật kiểu này lan rộng khắp thế giới, Google có thể sẽ phải chi hàng tỷ USD để các bài báo xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. “Nó sẽ thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của Google”, chuyên gia này nêu rõ.
Chiến thuật đối phó từ “Big Tech”
Meta và đặc biệt là Google đã không xem nhẹ khoản tiền phải chi ở Canada. Vào cuối tháng 2 vừa qua, Google đã loại bỏ kết quả tìm kiếm tin tức đối với 4% người dùng ở Canada trong một thử nghiệm diễn ra trong 5 tuần.
Đây được coi là một lời cảnh báo: Nếu Đạo luật Tin tức trực tuyến được thông qua, Google có thể chặn hoàn toàn các nhà cung cấp tin tức. Meta đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ ngừng cung cấp các bài báo có thể truy cập được trên Facebook và Instagram nếu dự luật trở thành luật.
Bà Sabrina Geremia, Giám đốc điều hành Google tại Canada, đã phản ứng về Đạo luật Tin tức trực tuyến: “Khi bạn định giá cho việc liên kết đến một số thông tin nhất định, bạn không còn có một trang web mở và miễn phí nữa”.
Các chiến lược được sử dụng ở Australia đã lặp lại. Chính Facebook đã đột nhiên loại bỏ các bài báo và trang tin tức khỏi nền tảng của họ, giống như Google đã làm đối với một số người Canada.
Bà Caroline Fisher, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông và tin tức của Australia, cho biết: “Họ đang tự do tung hoành, đó là những gì họ đã làm ở đây. Các chiến thuật này không được lòng công chúng và gây tổn hại cho thương hiệu của họ. Nhưng quá trình đàm phán khó khăn, đặc biệt là từ Facebook, đã khiến họ có những nhượng bộ nhất định”.
Theo đó, một điều khoản được đưa ra vào phút cuối trong dự luật của Australia, cho phép các nền tảng công nghệ tránh đàm phán với các nhà xuất bản tin tức dưới sự đe dọa của hội đồng trọng tài nếu họ được coi là đã có “đóng góp đáng kể” cho truyền thông. Phán quyết sẽ được kích hoạt nếu một thỏa thuận giữa một nền tảng và nhà xuất bản không thể đạt được trong 90 ngày và hội đồng trọng tài sẽ có quyền đưa ra mức giá mà nền tảng đó cho là hợp lý để trả cho nhà xuất bản.
Ngay sau khi dự luật được thông qua, Alphabet và Meta đã ký thỏa thuận với nhiều hãng tin tức. Một số giao dịch này trị giá hàng chục triệu USD. Điều này rõ ràng là đủ để cả Alphabet và Meta được xác định là “những người đóng góp đáng kể”, làm giảm bớt mối đe dọa từ hội đồng trọng tài.
AI sẽ là tranh cãi tiếp theo?
Cuộc tranh cãi ngày càng mang tính toàn cầu trên có khả năng tạo tiền đề cho một cuộc xung đột tương tự liên quan trí tuệ nhân tạo (AI). Vấn đề này do công ty truyền thông Getty của Mỹ nêu ra. Các chatbot như ChatGPT và Sydney của Microsoft thường tổng hợp thông tin từ các nhà xuất bản tin tức và đưa ra những câu trả lời mà không cần liên kết trở lại nguồn tin.
Do đó, các cuộc tranh cãi giữa chính phủ và nhà xuất bản tin tức với các công ty công nghệ lớn có thể sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của AI. Các chatbot như ChatGPT hoạt động bằng cách tiếp nhận và tổng hợp lượng thông tin khổng lồ. Khi người dùng đặt câu hỏi, các chatbot sẽ trả lời mà không có liên kết đến tài liệu nguồn.
Ví dụ, khi nhập cụm từ “điện thoại tốt nhất để mua ngay bây giờ” vào Google, bạn sẽ tìm thấy danh sách được đưa ra từ các trang như CNET, Tech Radar và Engadget. Đưa cùng nội dung trên vào ChatGPT và nó sẽ lập danh mục tùy chọn một cách hữu ích dựa trên đánh giá của chuyên gia nhưng không có liên kết đến bất kỳ trang web nào. Khi các công cụ tìm kiếm như Bing và Google tích hợp các chatbot tương tự, các trang tin tức có thể thấy các bài báo của họ được tổng hợp mà không có bất kỳ khoản phí nào được trả.
News Corp đã đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Giám đốc điều hành Robert Thomson của News Corp cảnh báo: “Khi các công cụ AI đó được cập nhật và chúng đang sử dụng nội dung chuyên nghiệp để trở nên chuyên nghiệp hơn.… Rõ ràng là chúng đang sử dụng nội dung độc quyền của chúng tôi. Họ sẽ lập luận rằng bằng cách tổng hợp thông tin, trích nội dung cốt lõi, họ đang cung cấp một dịch vụ chuyển đổi. Nhưng chúng tôi cho rằng họ sẽ không thể cung cấp bất kỳ dịch vụ nào nếu không có nội dung của chúng tôi”.