Trong xu hướng chuyển đổi số, có rất nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng nền tảng công nghệ mới. Nhờ vậy, một số tờ báo không ngừng lớn mạnh, lan tỏa. Một số tờ báo điện tử, trang fanpage đã có lượng độc giả vượt so với các tờ báo có bề dày truyền thống. Tuy nhiên, tốc độ thông tin ngày càng nhanh, đòi hỏi trách nhiệm xã hội của mỗi cơ quan báo chí và nhà báo càng lớn hơn để đảm bảo đưa thông tin chuẩn xác, đầy đủ và có ý nghĩa nhân văn tới công chúng. 

Thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả ngày càng thay đổi, từ đọc báo, xem tivi truyền thống nay đã chuyển dần sang đọc báo, thông tin qua ứng dụng (app) hoặc trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, WhatsApp... Chuyển đổi số báo chí thế nào để giữ chân bạn đọc, thu hút và tăng doanh thu quảng cáo là vấn đề đặt ra đối với mỗi cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử. Trong bối cảnh hiện nay, bạn đọc đang có xu hướng tìm đến các nền tảng số trên mạng internet, báo chí cũng phải có bước chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu công chúng.

TTXVN sử dụng nền tảng số như một kênh phân phối nội dung hữu hiệu để lan tỏa thông tin rộng rãi tới người dùng trên toàn cầu. 

Báo Điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn cập nhật xu thế chuyển đổi số và cách tiếp cận thông tin đa phương tiện; đầu tư vào cách trình bày nội dung hiện đại, hiện diện trên nhiều nền tảng để phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc.

Không chỉ thực hiện tốt vai trò thông tin chính luận, Báo điện tử VietnamPlus đã mở rộng phát hành trên nền tảng số. Cụ thể, bên cạnh fanpage tiếng Việt, VietnamPlus lập tài khoản trên các nền tảng được nhiều người sử dụng khác như Zalo, TikTok, MyClip, Twitter… Các sản phẩm tin, bài của VietnamPlus cũng được thể hiện theo phong cách hiện đại như video 1:1 dạng mutex (lời bình được thể hiện qua phụ đề trên nền nhạc có bản quyền), đáp ứng được thị hiếu, cũng như thói quen xem video trên điện thoại, máy tính bảng.

Sản phẩm Chatbot của TTXVN đoạt giải chất lượng thông tấn của OANA. Đây là giải thưởng được các hãng thông tấn thành viên Ban chấp hành OANA bình chọn tại Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44, diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) từ ngày 18 - 20/4/2019.

Hiện nay, một số sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng đã, đang được triển khai. VietnamPlus ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp tăng lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn (Newsletter) hay Tin tuyển chọn từ Ban biên tập (Editors Picks)…

Phó Tổng biên tập VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật cho biết: Từ lâu nay, VietnamPlus đã có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái số, đưa tin tức lên nền tảng số. Những nghiên cứu gần đây cho thấy xu hướng người đọc dịch chuyển trên nền tảng số ngày càng phát triển, trong điều kiện ấy báo chí phải bắt kịp xu hướng này, đón đầu độc giả, bởi ở đâu có độc giả, ở đó có báo chí. Thời gian tới, VietnamPlus sẽ tiếp tục hướng đến việc phát triển trên các nền tảng công nghệ số, sản xuất các sản phẩm thông tin đa phương tiện theo xu hướng báo chí mới, hiện đại; tận dụng tối đa các kênh truyền thông xã hội nhằm lan tỏa thông tin, tiết kiệm chi phí, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ, sự thay đổi về phương thức tiếp cận thông tin của độc giả...

Tại báo Tin tức (TTXVN), tòa soạn báo đã phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa báo Tin tức thành đơn vị báo chí đa phương tiện mạnh”. Các bài viết trên báo điện tử đã chuyển hướng đa phương tiện, tích hợp nhiều ảnh, video, clip; thực hiện các tác phẩm lồng tiếng, bắn chữ… mang thương hiệu báo Tin tức. Các bài MegaStory được xây dựng công phu, hấp dẫn; chuyên mục ảnh 360 độ được thực hiện trên báo điện tử Tin tức đã tạo một ấn tượng tốt trong bạn đọc...

Đặc biệt, năm 2022, Ban biên tập Báo Tin tức đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện sản phẩm truyền hình Tin tức TV, tập trung vào 2 mũi nhọn là talkshow và phóng sự truyền hình, về các vấn đề kinh tế - xã hội lớn. Sau 1 năm triển khai, hàng chục chương trình có chiều sâu đã được ra đời, có tiếng vang, góp phần nâng cao hiệu quả hình thức thông tin đa phương tiện, đưa dòng thông tin chính thống tới người đọc một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới nói chung, ngành báo chí nói riêng bị cuốn vào cơn lốc chuyển đổi công nghệ, và trong cơn bão thông tin phong phú hiện nay thì sự vào cuộc của báo Tin tức để tự làm mới chính mình, vừa là duy trì vị trí chính thống, đồng thời lại cạnh tranh được với nhiều nguồn thông tin đa dạng là những thách thức rất lớn, nhưng có thể nói báo Tin tức vẫn hoàn thành tốt sứ mệnh của mình… Những đổi mới của đội ngũ báo Tin tức tạo nên những sức sống mới, sức trẻ mới, năng động mới của báo Tin tức, một ấn phẩm rất quan trọng của TTXVN”. 

Chương trình truyền hình Tin tức TV, các bài MegaStory và chuyên mục Ảnh 360 độ… trên báo điện tử Tin tức ngày càng tạo ấn tượng tốt đối với đông đảo bạn đọc.

Cùng với VietnamPlus, báo Tin tức và các tờ báo trong ngành, TTXVN đã triển khai chuyển đổi số từ rất sớm, với phương châm: Chuyển đổi số phải song hành cùng việc giữ vững các giá trị nền tảng, đảm bảo tính thiết thực, nhân văn của thông tin, phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị thông tin, mỗi cơ quan thường trú trong nước và nước ngoài, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cơ quan thông tin đa phương tiện chủ lực quốc gia. Bên cạnh duy trì hình thức đăng tải, phát hành báo chí truyền thống, TTXVN đã chủ động, tích cực phổ biến thông tin lên mạng xã hội nhằm lan tỏa rộng rãi nguồn thông tin chính thống, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cung cấp nguồn thông tin chính thống đến đông đảo công chúng.

Các đơn vị thông tin nguồn, các đơn vị báo chí xuất bản của TTXVN đã đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin, áp dụng nhiều loại hình thông tin mới như infographic, longform (tích hợp tin văn bản, ảnh, video, biểu đồ… trong cùng một sản phẩm), megastory (tác phẩm báo chí bao gồm âm thanh, video, ảnh, dữ liệu thể hiện bằng công nghệ kỹ thuật số), timeline (thông tin tư liệu tổng hợp theo dòng thời gian) đồng thời tích cực phổ biến thông tin về Việt Nam lên các ứng dụng mạng xã hội bằng nhiều ngữ: Việt, Trung, Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha…, đa dạng hóa phương thức thể hiện thông tin đối ngoại, hoàn thành tốt vai trò cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia.

Hiện TTXVN có 14 fanpage được Facebook xác thực với định hướng phổ biến thông tin chính thức, phản ánh chân thực dòng chảy chính của cuộc sống, phản ánh sinh động các thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước cũng như trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng tiêu cực do Đảng khởi xướng hiện nay. Các trang Facebook bằng các ngữ đã phát huy hiệu quả trong thực hiện, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. TTXVN sử dụng nền tảng số như một kênh phân phối nội dung hữu hiệu, đặc biệt là nội dung đa phương tiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, lan tỏa rộng rãi thông tin tới người dùng trên toàn cầu.

Lễ khai trương Trang thông tin đặc biệt của TTXVN về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và lễ khai trương Trang thông tin về SEA Games 31.

Theo Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, đối với TTXVN, văn hóa, sáng tạo là hai yếu tố song hành để mỗi sản phẩm báo chí là kết tinh của các giá trị văn hóa và tư tưởng chính trị. Việc ứng dụng những công nghệ hiện đại góp phần làm mới các chủ đề thông tin quen thuộc. Cụ thể như trí tuệ nhân tạo AI. Đây là bước đột phá đang dần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm. Để làm chủ được công nghệ, để công nghệ mang lại tiện ích, cần nắm được công nghệ, dùng trí tuệ của con người để tạo thêm giá trị gia tăng cho các ứng dụng số, khi đó, công cụ AI sẽ có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu hiện đại. 

Nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Nói đến chuyển đổi số báo chí là nói đến chiến lược của mỗi cơ quan báo chí. Chuyển đổi số không phải chỉ riêng trong lĩnh vực báo chí, mà ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đối với báo chí, việc ứng dụng công nghệ số cho phép cơ quan báo chí có thể tự động hóa các quy trình làm việc ở tất cả các bộ phận, để giảm bớt thời gian, chi phí hoạt động. Như vậy, thay vì phải đến tòa soạn để thực hiện các tin bài, các phóng viên có thể sử dụng phần mềm để đưa thông tin đến người biên tập và người biên tập có thể xuất bản thông tin lên báo điện tử hoặc trên nhiều nền tảng khác. Quy trình đó giúp các cơ quan báo chí tiết kiệm được chi phí, thời gian, đưa thông tin nhanh chóng đến độc giả. Khi chuyển đổi số, cơ quan báo chí sẽ có một nguồn dữ liệu đầu vào lớn, cùng với việc ứng dụng công nghệ, tự động hóa, sẽ có thể hình thành các quy trình làm báo mới, nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu độc giả, cũng như tạo ra các nhu cầu mới cho thị trường, tăng tương tác giữa người làm báo và công chúng. 

Giao diện Trang thông tin về SEA Games 31 của Thông tấn xã Việt Nam. 

Đồng thời, với việc áp dụng công nghệ mới như AI, Bigdata, báo chí có thể tạo ra nhiều sản phẩm báo chí, như megastory, timeline, ảnh 360 độ, video 360 độ, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của công chúng. Việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ, sẽ giúp cơ quan báo chí xây dựng được hệ thống để thu thập số liệu của khách hàng, dần dần hướng đến việc gia tăng các trải nghiệm, nhu cầu của khách hàng. Với định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều nền tảng sinh thái số, như nền tảng phát thanh số, nền tảng báo điện tử, nền tảng truyền hình số... Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ có thể giúp việc thanh toán điện tử để phát triển loại hình mới hơn, đó là báo chí thu phí. Hiện nay, ở Việt Nam có một số tờ báo, ví dụ VietnamPlus của TTXVN, hay Tạp chí điện tử Ngày Nay của Vietnamnet và một số tờ báo khác đã có hình thức báo chí thu phí khác nhau nhưng cần phải áp dụng công nghệ nhiều hơn để tạo khả năng thanh toán cho độc giả. 

Cơ quan báo chí phải lấy công nghệ là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Điều này có nghĩa là mọi hoạt động của cơ quan báo chí đó, từ hành chính nhân sự, hoạt động tác nghiệp đều thực hiện trong một phần mềm duy nhất để có thể chuyển đổi số. Thêm nữa, mỗi cơ quan báo chí cần tăng cường thu thập thông tin trực tiếp từ độc giả - đối tượng phục vụ chính của mình. Công nghệ hay nói cách khác là chuyển đổi số báo chí tạo ra rất nhiều lợi thế, hay nói rộng hơn là sử dụng công nghệ phân tích hành vi, thói quen của độc giả để tạo ra các sản phẩm mang tính cá thể. Việc phân tích hành vi, thói quen chỉ có thể được thực hiện nếu áp dụng công nghệ đo lường độc giả trên các nền tảng báo chí, rồi từ đó có thể tạo ra các mô hình sản phẩm thông tin mới phù hợp với nhiều loại độc giả. Từ sự phục vụ tốt hơn cho độc giả, các cơ quan báo chí có thể đa dạng hóa, tăng nguồn thu. Đó chính là lợi thế của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số báo chí - ông Trần Anh Tú nói.

Quang cảnh buổi tọa đàm với chủ đề “TTXVN với quá trình chuyển đổi số trong báo chí”

Nói chuyện tại chương trình "đào tạo về chuyển đổi số báo chí" do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Google tổ chức, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, cùng với chuyển đổi nội dung, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên… Mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên áp dụng máy móc, chạy theo thị hiếu. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh, mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. Tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy doanh thu cũng như quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên nắm bắt xu thế độc giả và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp. 

Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số không phân biệt tờ báo lớn hay tờ báo nhỏ. Một tờ báo nhỏ nếu có chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành, duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả, khả năng chuyển đổi số thành công sẽ cao hơn các tờ báo lớn không có chiến lược đúng đắn - ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí là bước đi tất yếu. Mỗi cơ quan báo chí bên cạnh việc xác định chiến lược, bước đi thích hợp cũng cần chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ phóng viên, người làm báo. Việc chinh phục chuyển đổi số, công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nghề nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực, kỹ năng của người làm báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ. Đồng thời, xu hướng phát triển hiện đại càng đòi hỏi mỗi nhà báo phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo nên những sản phẩm thực sự có chất lượng cao.

Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành trong tháng 4/2023, với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đây có thể coi là văn bản quan trọng hỗ trợ báo chí chuyển đổi số báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí thông tin về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí.

Tiếp đó, ngày 8/5/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Quyết định số 781/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược. 

Ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố sự ra đời của Trung tâm trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; thông tin về bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Theo đó, Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí là là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số… Mô hình đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí gồm 42 tiêu chí được chia thành 10 chỉ số thành phần và nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí, với số điểm tổng tối đa là 100 điểm. Dưới 50 điểm là ở mức yếu; từ 70 - 80 điểm ở mức tốt; trên 80 điểm ở mức xuất sắc. Cơ quan báo chí sau khi đã được thẩm định, đánh giá sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Chứng nhận mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Việc công bố xếp hạng sẽ được thực hiện hàng năm. bao gồm: Chiến lược, hạ tầng số; nền tảng số và an toàn thông tin; sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; độc giả, khán giả, thính giả và mức độ ứng dụng công nghệ số. 

Là cơ quan quản lý báo chí truyền thông cũng như công nghệ thông tin, ngay từ sớm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ cơ quan báo chí chuyển đổi số. Điển hình như, đầu năm 2021, Bộ đã xây dựng chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, với ba nền tảng chính. Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số. Nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

Khẳng định chuyển đổi số là con đường tất yếu của báo chí, nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông khẳng định Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa to lớn. Thời gian qua, một số cơ quan báo chí chưa quyết tâm, quyết liệt trong chuyển đổi số, bởi họ vẫn thấy không cần thay đổi, vẫn có thu nhập, chưa bị sụt giảm hoặc bị sụt giảm kinh phí nhưng chưa tạo ra nguy cơ lớn. Việc phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đã tạo ra một "đường băng", định hướng đối với cơ quan báo chí. Chiến lược đã đề ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể đến năm 2025, cũng như hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. 

Đặc biệt, việc xây dựng các nền tảng số, tối ưu hóa các nguồn thu là điều quan trọng mang tính định hướng đối với các cơ quan báo chí. Việc ra đời chiến lược này vừa là mục đích, "ánh sáng soi đường" nhưng cũng đồng thời là động lực thúc đẩy trong việc chuyển đổi số. Thông qua chiến lược đã khẳng định: Việc chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn muốn hay không muốn mà là điều bắt buộc đối với từng cơ quan báo chí, để vừa đáp ứng yêu cầu của độc giả; đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ truyền thông trong thời đại mới, cũng như tối ưu hóa các nguồn lực và đạt hiệu quả cao hơn trong nguồn thu báo chí - ông Trần Anh Tú nói.

Để giúp báo chí bắt nhịp nhanh vào công cuộc chuyển đổi số, ông Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông cho rằng: Chuyển đổi số là vấn đề mới không chỉ ở Việt Nam mà cả đối với báo chí thế giới. Hiện nay, rất nhiều tờ báo vẫn còn băn khoăn, lo lắng, suy nghĩ, trăn trở, giống như "đang đi giữa một dòng nước hoặc một ngã ba, ngã tư đường", không biết lựa chọn điều gì trong hoạt động chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí đang cần hỗ trợ rất nhiều. Vì vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Hơn lúc nào hết, báo chí rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng định hướng chuyển đổi số, bởi lẽ mỗi cơ quan báo chí có một đặc thù riêng, nhân sự riêng, như TTXVN khác với Đài Tiếng nói Việt Nam, khác với Đài Truyền hình Việt Nam, cũng như nhiều tờ báo khác. Thông qua Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí sẽ giúp đỡ các cơ quan báo chí xây dựng các định hướng về chuyển đổi số báo chí phù hợp với điều kiện, đặc điểm, cũng như độc giả. 

Buổi ghi hình tại Trung tâm Truyền hình Thông tấn.

Cũng theo nhà báo Trần Anh Tú, một vấn đề khiến báo chí "chậm chân" trong chuyển đổi số liên quan đến kinh phí. Kinh phí cũng là vấn đề cơ quan báo chí cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như là cơ quan chủ quản. Chiến lược chuyển đổi số báo chí được ban hành cũng đã nêu rõ việc tăng cường vai trò của cơ quan chủ quản báo chí trong việc hỗ trợ tài chính, kinh phí cho các cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số. Những sự hỗ trợ này, cùng với sự ra đời của trung tâm hỗ trợ báo chí chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là rất cần thiết với từng cơ quan báo chí, để từng cơ quan, cũng như mỗi người làm báo có thêm sự hiểu biết, cũng như có thể triển khai, thực hành được ngay công việc ngay trong đơn vị.

Điểm cuối cùng các cơ quan báo chí cần hiện nay đó là về đào tạo. Bởi có hai vấn đề cốt lõi liên quan đến con người trong chuyển đối số, đó là nhu cầu của công chúng và năng lực của những người cung cấp thông tin - người làm báo. Những người làm báo hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ đã được tiếp xúc nhiều về mặt công nghệ nhưng họ vẫn cần được tiếp tục đào tạo, bồi đắp để trở thành một nhà báo hiện đại. Việc này đòi hỏi các bạn trẻ không chỉ học kỹ năng làm nghề, kỹ năng khai thác thông tin, còn cần được trang bị một cách chuyên nghiệp các kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số. Các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo báo chí có thể xây dựng các chương trình đào tạo về báo chí, về chuyển đối số phù hợp với từng học viên, như Tổng biên tập, thư ký tòa soạn, phóng viên... - nhà báo Trần Anh Tú nêu quan điểm.

Các đơn vị thông tin nguồn, các đơn vị báo chí xuất bản của TTXVN luôn nỗ lực đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin, áp dụng nhiều loại hình thông tin mới, đa dạng hóa phương thức thể hiện thông tin.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất trong việc chuyển đổi số đó chính là con người. Trong xu thế hội tụ truyền thông mạnh mẽ hiện nay, báo chí truyền thống và báo chí công nghệ có xu hướng tích hợp, tương tác, hỗ trợ nhau bằng những phương thức đa dạng, phức tạp. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo phát huy sức trẻ, khả năng sáng tạo, đồng thời là thách thức, đòi hỏi mỗi người phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng thích ứng để trở thành một nhà báo thời đại 4.0. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Công nghệ ngày càng phát triển sẽ tạo cơ hội rất lớn cho báo chí nhưng thách thức đối với báo chí còn lớn hơn nhiều, bởi lẽ nếu người làm báo không nhanh chóng, nắm bắt được công nghệ hiện đại, không khắc phục được những hạn chế, thách thức, đe dọa đến an ninh truyền thông, cũng như những vấn nạn liên quan đến tin giả, khó có thể đảm trách tốt hơn chức năng điều hướng dư luận xã hội của báo chí. 

"Công nghệ hiện đại và hướng phát triển của báo chí của những nền tảng số hiện nay là phép thử lớn đối với những người làm báo và những người quản lý báo chí. Nó đòi hỏi những chiến lược, dự án chi tiết và việc trải nghiệm để đổi mới thường xuyên, liên tục, sáng tạo buộc chúng ta phải thay đổi một cách nhanh chóng và đó là những điều tạo nên những thách thức lớn mà người làm báo phải vượt qua bằng mọi giá" - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng nói.

Lễ bế mạc Hội Báo toàn quốc 2023.

Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng bản lĩnh chính trị, tư tưởng, ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả. Đây cũng chính là lời nhắc nhở của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội Báo toàn quốc năm 2023, được tổ chức từ 17 - 19/3.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, phải hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó, quan trọng nhất là thay đổi tư duy, cách làm trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.

Chuyển đổi số báo chí:

Bài: Phúc Hằng - Xuân Cường
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát - Bộ TT&TT; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

18/06/2023 05:55