Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài 2- Những bước đi mạnh bạo sớm được chuẩn bị

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia, chuyên gia vấn đề quốc tế, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Malaysia, Tiến sỹ Hoo Chiew Ping cho biết có một số chính phủ từ lâu đã nhận ra rằng sẽ phải sống lâu dài với COVID-19.

“Điều đó có nghĩa rằng trạng thái bình thường mới sẽ thực sự là mới và chúng ta sẽ phải làm việc trong thời gian dài cùng với sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 ở trong cộng đồng”, Tiến sỹ Hoo Chiew Ping nhấn mạnh.  

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Hoo Chiew Ping trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Malaysia qua Zoom.

Đối với Malaysia, tới ngày 10/9, ở nước này chỉ còn 2 địa phương là bang Kedah và bang Johor đang trong giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi quốc gia, nghĩa là vẫn phải đóng cửa phần lớn hoạt động kinh tế, xã hội. Tất cả các địa phương còn lại ít nhất là ở giai đoạn 2, trong đó lãnh thổ liên bang Labuan thuộc giai đoạn 4. Khi được Thủ tướng Ismail cho phép chuyển sang giai đoạn 4 của Kế hoạch Phục hồi quốc gia vào ngày 24/8, có 92,4% người trưởng thành ở Labuan đã hoàn thành tiêm chủng. Tỉ lệ phải điều trị tích cực tại đây chỉ còn 0% so với 30% của 1 tháng trước.

Chuyển sang giai đoạn 4 của Kế hoạch Phục hồi quốc gia có nghĩa tất cả các lĩnh vực kinh tế đều được phép hoạt động với sự tham gia 100% lao động. Các hoạt động xã hội như kỉ niệm lễ tết hay cưới hỏi, hội thảo, hội nghị… được tổ chức với 50% công suất. Nhưng, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách vật lý… vẫn phải duy trì.

Đối với ông David Higate, một người Anh sống ở Malaysia được 15 năm, không cần phải tới giai đoạn 4, khi lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur được chuyển sang giai đoạn 2 với việc nới lỏng cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, ông đã cảm thấy rất sung sướng. Chia sẻ với phóng viên TTXVN khi đang chung vui cùng bạn bè ở phố bar Changkat Bukit Bintang, ông David nói: “Chúng ta đã sống 4 tháng phong toả hoàn toàn, do đó, việc mở cửa trở lại thật tuyệt vời. Tôi hy vọng rằng những ngành nghề khác cũng dần được mở cửa trở lại như du lịch, dịch vụ giải trí”. Theo ông David, chính phủ Malaysia đã làm rất tốt khi nới lỏng quy định để mở cửa trở lại nền kinh tế. Kỳ thực, nếu để ý sẽ thấy chính phủ Malaysia đã sớm chuẩn bị.  

Malaysia phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 25/1/2020. Để kiểm soát dịch bệnh, từ ngày 18/3/2020 – 14/6/2021, Malaysia đã 3 lần áp đặt Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) và 1 lần thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển toàn diện (FMCO) trên phạm vi toàn quốc. Nhưng các lần MCO chỉ có chung tên gọi, còn biện pháp thì khác nhau, theo hướng MCO sau nới lỏng hơn MCO trước và ngay cả cái gọi là “FMCO” cũng không nghiêm ngặt như MCO đầu tiên.

Kể từ ngày 15/6, Malaysia chuyển sang thực hiện Kế hoạch Phục hồi quốc gia với 4 giai đoạn.  Người dân cũng như doanh nghiệp không còn trong tình trạng trông ngóng xem MCO sẽ kết thúc hay kéo dài sau mỗi 2 tuần thực hiện. Kế hoạch Phục hồi quốc gia cũng được thiết kế theo các tiêu chí khoa học về số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày, tỷ lệ phải điều trị tích cực và tỷ lệ tiêm chủng. Sự thay đổi này đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân, dần dần họ hiểu rằng chung sống lâu dài với COVID-19 sẽ trở thành trạng thái bình thường mới.

Để “hội nhập” với trạng thái bình thường mới, người dân và doanh nghiệp cũng dần hiểu rằng họ phải hoàn thành tiêm chủng. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia, ông Devendran, chủ quán bar LoCo ở Changkat Bukit Bintang, cho biết để có thể vận hành trở lại, tất cả các nhân viên đều phải hoàn thành tiêm chủng. Khách hàng muốn vào quán cũng phải hoàn thành tiêm chủng, quét ứng dụng truy vết, đo nhiệt độ và chỉ được ngồi 3 người 1 bàn. Đó là một trong những yêu cầu của chính phủ Malaysia.

Chú thích ảnh
Ông Devendran, chủ quán bar LoCo ở Changkat Bukit Bintang, Kuala Lumpur trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Malaysia.

Hoàn thành tiêm chủng đã trở thành “giấy thông hành” đầu tiên không thể thiếu trong thời dịch bệnh ở Malaysia và điều này đã trở thành cú hích ngược lại đối với Chương trình Tiêm chủng quốc gia. Tới hết ngày 10/9 đã có 73,3% dân số Malaysia đăng ký tiêm chủng và cùng với sức mạnh của giấy thông hành mang tên “vaccine ngừa COVID-19”, ngày càng có nhiều người ở Malaysia đăng ký tiêm chủng, bao gồm cả người nước ngoài tới Malaysia bằng con đường hợp pháp và phi pháp.

Bên cạnh đó, để huy động sức mạnh tổng hợp nhằm đối phó với dịch bệnh, vào tháng 7/2021, Malaysia đã đưa ra Chính sách An ninh quốc gia mới cho giai đoạn 2021-2022 tính đến mối đe doạ COVID-19. Dưới sự chủ trì của thủ tướng, Hội đồng An ninh quốc gia của Malaysia họp hàng tuần với sự tham gia của cả Bộ Y tế lẫn Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp, thương mại quốc tế … để bàn thảo biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả dịch bệnh.

Sau khi chính phủ của Thủ tướng Ismail lên nắm quyền, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng bắt tay vào việc soạn thảo khung chính sách đối ngoại mới. Theo Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah ngày 8/9, khung chính sách đối ngoại mới của Malaysia có một số lĩnh vực trọng điểm và ưu tiên, quan trọng nhất là ngoại giao y tế. Ông Saifuddin cho biết thêm vấn đề đặt lên bàn cân là đại dịch COVID-19 và câu chuyện sau đại dịch. Cách tiếp cận của Malaysia mang tính liên ngành, tất cả các lĩnh vực, toàn bộ đất nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự đều phải tham gia vào đó.

Bài cuối: Nhận diện thách thức để vượt qua

Bài và ảnh: Hà Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Malaysia)
Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài cuối - Nhận diện thách thức để vượt qua
Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài cuối - Nhận diện thách thức để vượt qua

Gần 2 năm đã trôi qua kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được công bố, thế giới tồn tại 2 phương châm chống dịch là “kiểm soát để không có ca mắc COVDI-19 mới nào” và “sống chung với virus SARS-CoV-2”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN