Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài 1 - Niềm tin từ Chương trình Tiêm chủng quốc gia

Malaysia là một trong những nước đầu tiên trong khu vực xác định rõ thời gian bắt đầu sống chung với virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19.Dự kiến vào cuối tháng 10/2021, Malaysia bắt đầu giai đoạn coi COVID-19 là “bệnh địa phương” (endemic). Tuy nhiên, thực tế tại Malaysia và kinh nghiệm bước đầu trên thế giới cho thấy bước chuyển chính sách này vẫn còn đối mặt với không ít thách thức.

Bài 1: Niềm tin từ Chương trình Tiêm chủng quốc gia

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một lao động Việt Nam sang Malaysia được 5 năm, tiêm ngừa COVID-19 tại Kuala Lumpur.

Phát biểu lần đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Y tế vào ngày 1/9, ông Khairy Jamaluddin, cho biết nếu nhìn vào số ca mắc COVID-19 ở lãnh thổ liên bang Labuan và thậm chí là bang Sarawak, những địa phương này đã ở giai đoạn coi COVID-19 là bệnh địa phương. Trên phạm vi toàn quốc, theo ông Khairy, Malaysia bắt đầu giai đoạn coi COVID-19 là bệnh địa phương vào cuối tháng 10/2021 khi mà có ít nhất 80% người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19.

Một ngày sau, tân Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob hồ hởi cho biết Hệ số lây nhiễm cơ bản (RO) ở nước này đã giảm xuống mức 0,99 (1 người lây cho 0,99 người), là lầu đầu tiên trong hơn 1 tháng giảm xuống dưới mức 1, cho thấy Malaysia đang đi đúng quỹ đạo phục hồi. Ông Ismail hi vọng vào cuối tháng 9/2021, 80% người trưởng thành ở nước này sẽ hoàn thành tiêm chủng và cuối tháng 10 sẽ là 100%. Khi đó, theo ông Ismail, người dân nên chuẩn bị sống chung với virus (SARS-CoV-2) sau khi đại dịch COVID-19 trở thành bệnh địa phương.

Điểm qua phát biểu của các quan chức hàng đầu chính phủ Malaysia phụ trách công tác chống dịch và phục hồi kinh tế có thể thấy tỉ lệ tiêm chủng cao trở thành cơ sở tin tưởng cho Malaysia chuyển đổi chính sách từ “không COVID-19” sang “sống chung với virus”. Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, tới ngày 31/8, 64% người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng và tỉ lệ này đã tăng lên 72% vào hôm 10/9. Mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 100% người trưởng thành vào tháng 10/2021 có thể nói là rất khả thi.

Nguyên nhân đầu tiên là Malaysia có được nguồn cung vaccine khá dồi dào. Cộng thêm 6 triệu liều vaccine Sinovac mới mua thêm vào đầu tháng 8/2021, tới nay, tổng số vaccine mà Malaysia đã đặt mua là gần 86 triệu liều (bao gồm cả vaccine Cansino loại 1 mũi tiêm), đủ để hoàn thành tiêm chủng cho ít nhất 150% dân số (khoảng 32,7 triệu người). Tới hạ tuần tháng 7/2021, Malaysia đã nhận được 25,2 triệu liều vaccine. Trong tháng 8/2021, Malaysia nhận được 37,3 triệu liều vaccine và dự kiến trong quý VI/2021, Malaysia sẽ nhận thêm 21,9 triệu liều nữa. Bên cạnh đó, trong khoảng 2 tháng lại đây, Malaysia là một trong những nước có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới với tổng số mũi tiêm thực hiện hàng ngày từ 300-500 ngàn.

Chú thích ảnh
Giáo sư, Tiến sỹ Malina Osman trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Malaysia qua Zoom.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Malaysia, chuyên gia y tế công và dịch tễ học, Giáo sư, Tiến sỹ Malina Osman thuộc Khoa Y học và Khoa học sức khoẻ, Đại học Putra Malaysia cho biết Malaysia là một trong những nước phải đối mặt với sự lây lan của biến thể Delta. Để phòng ngừa và kiểm soát, Malaysia đã làm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồng thời đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Với tỉ lệ bao phủ của Chương trình Tiêm chủng quốc gia như hiện nay, Malaysia ít nhiều đã vượt qua một số tình huống trước sự đe doạ của biến thể Delta.

Theo bà Malina Osman, Malaysia đã nhận được thông tin tốt đẹp từ phần lớn các bệnh viện ở Thung lũng Klang, nơi từng được coi là điểm nóng dịch bệnh tại Malaysia. Giờ đây, các bệnh hiện tại đây đã có thể hoạt động bình thường nhất có thể, không bị quá tải nữa. Những chỉ số đó đã phát tín hiệu để Malaysia tiến lên phía trước.

Quả thực, vài tháng trước, số ca mắc COVID-19 mới ở Thung lũng Klang thường xuyên chiếm trên 50% tổng số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Malaysia. Nhưng cùng với việc Thung lũng Klang trở thành nơi có tỷ lệ người trưởng thành được tiêm chủng nhiều nhất, chiếm 99,1% (số liệu Bộ Y tế Malaysia ngày 10/9), số ca mắc COVID-19 ở đây đã giảm mạnh, xuống còn khoảng 20% tổng số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Malaysia (4.083/21.176 ca, số liệu Bộ Y tế Malaysia ngày 10/9).

Bà Malina Osman cho rằng nếu đạt được tỉ lệ tiêm chủng trên 80%, tỉ lệ nhập viện vì COVID-19 sẽ giảm, số phải điều trị tích cực không trong tình trạng quá tải, số người chết vì COVID-19 cũng giảm và khi đó, việc tuyên bố chuyển đại dịch COVID-19 thành dịch bệnh địa phương không thành vấn đề. Ở nơi nào mà hệ thống chăm sóc sức khỏe không còn ở trong tình trạng quá tải và phần lớn số ca mắc COVID-19 chỉ ở mức độ nhẹ, nơi đó hoàn toàn có thể mở cửa.

Bài 2: Những bước đi mạnh bạo sớm được chuẩn bị

Bài và ảnh: Hà Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Malaysia)
Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài cuối - Nhận diện thách thức để vượt qua
Malaysia và câu chuyện sống chung với COVID-19: Bài cuối - Nhận diện thách thức để vượt qua

Gần 2 năm đã trôi qua kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được công bố, thế giới tồn tại 2 phương châm chống dịch là “kiểm soát để không có ca mắc COVDI-19 mới nào” và “sống chung với virus SARS-CoV-2”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN