Ngành du lịch Malaysia chịu tác động mạnh do các biện pháp hạn chế đi lại trong nước và đóng cửa biên giới kéo dài nhiều tháng trong khi quốc gia Đông Nam Á đang đương đầu với làn sóng dịch bệnh COVID-19 tồi tệ nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế đang dần được nới lỏng và Langkawi được lựa chọn để áp dụng dự án thí điểm mở cửa đón khach trở lại.
Theo Bộ Du lịch Malaysia, từ ngày 16/9, các khách sạn và những cơ sở giải trí như công viên chủ đề sẽ được mở cửa trở lại, các hoạt động trên bãi biển cũng được phép nối lại. Bộ trên tin tưởng động thái mới sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch sau thời gian dài phải ngừng hoạt động. Hiện giới chức Malaysia vẫn đang nghiên cứu và xây dựng các quy định cụ thể với những du khách được phép đến Langkawi.
Đảo Langkawi, cách biên giới phía Nam của Thái Lan vài km, nổi tiếng với những bãi biển thơ mộng và từng là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế. Dù cho phép khách du lịch nội địa trở lại hòn đảo này nhưng giới chức Malaysia không nêu rõ khi nào du khách nước ngoài sẽ được chào đón.
Mới đây, Malaysia đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó cho phép những người đã tiêm phòng đầy đủ được tự do tham gia các hoạt động xã hội như ăn tối tại các nhà hàng... Chiến dịch tiêm phòng tại quốc gia này cũng đang được đẩy mạnh, với gần 66% người trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm tại nước này vẫn cao. Tính đến ngày 3/6, Malaysia ghi nhận trên 19.000 ca bệnh, trong đó có 330 ca tử vong.
* Cùng ngày, một quan chức cấp cao trong Chính phủ Singapore cho biết quốc gia này sẽ tạm hoãn các bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giới chức Singapore đang theo dõi xu hướng gia tăng số ca mắc mới trong thời gian gần đây.
Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, Singapore đã có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng khá an toàn để bảo vệ người dân và quốc gia này cũng đang dần thích ứng với điều kiện "bình thường mới", sống chung với COVID-19. Hiện giới chức đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh nhưng nhận thấy chưa cần phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Theo bà Wong, việc áp dụng trở lại các biện pháp này sẽ là lựa chọn cuối cùng với mục đích ngăn chặn nguy cơ quá tải ở các bệnh viện.
Tính đến ngày 2/9, Singapore ghi nhận tổng cộng trên 67.900 ca mắc bệnh, 80% dân số được tiêm đủ 2 mũi và khoảng 83% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19.