Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 26 về "Tương lai châu Á" (FOA 2021) diễn ra bằng hình thức trực tuyến, Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh các rào cản do con người tạo ra đang cản trở các nỗ lực nhằm nhanh chóng khống chế dịch COVID-19 và chiến thắng trong cuộc đua chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang liên tục biến đổi, có thể khiến các loại vaccine phòng bệnh hiện nay không còn hiệu quả. Theo Thủ tướng Muhyiddin, 27 quốc gia giàu nhất đang nắm giữ 35,5% lượng vaccine trên toàn cầu cho dù các nước này chỉ chiếm 10,5% dân số thế giới. Các nước này hiện dư thừa vaccine để tiêm cho tất cả người dân của mình. Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh châu Á cần đi đầu trong việc dỡ bỏ các bảo hộ bằng sáng chế để giúp sản xuất các loại thuốc gốc rẻ hơn cho các bệnh nghiêm trọng, từ bệnh COVID-19 cho tới HIV/AIDS.
Thủ tướng Muhyiddin đã hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ ý tưởng tạm thời bỏ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ với vaccine COVID-19, đồng thời khẳng định đây là dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi toàn diện trong hệ thống bằng sáng chế dược phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông, điều đó là chưa đủ: “Trách nhiệm của chúng ta là dỡ bỏ hoàn toàn bảo hộ trí tuệ đối với vaccine COVID-19”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi từ “cách tiếp cận mang tính chủ nghĩa dân tộc thuần túy” sang các dịch vụ sức khỏe để đầu tư vào y tế như một loại hàng hóa công toàn cầu.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Muhyiddin cũng cảnh báo “khoảng trống lãnh đạo toàn cầu” và “sự thiết niềm tin” giữa các cường quốc thế giới trong các vấn đề thương mại, công nghệ và các vấn đề địa-chính trị khác. Trong khi toàn cầu hóa đang thay đổi cách thức lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm, thế giới lại thiếu một hệ thống quản trị toàn cầu hiệu quả để nhanh chóng ứng phó với các mối đe dọa này. Vì vậy, Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế để chống lại đại dịch. Đối với châu Á, ông cho rằng châu lục này cần coi cuộc khủng hoảng hiện nay là cơ hội để giúp xây dựng một thế giới bình đẳng hơn với sự quản trị toàn cầu tốt hơn.
Ngoài ra, Thủ tướng Muhyiddin cũng nhấn mạnh các quan ngại gia tăng về tình trạng bất bình đẳng hiện nay, đồng thời kêu gọi thiết lập các tổ chức mới ở châu Á để giúp tạo ra sân chơi bình đẳng.
Hội nghị Quốc tế về "Tương lai châu Á" là một diễn đàn quốc tế có uy tín do hãng Nikkei Inc. tổ chức gần như thường niên từ năm 1995 (ngoại trừ năm 2020 vì dịch COVID-19). Hội nghị năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến sau một năm gián đoạn do dịch COVID-19. FOA 2021 có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Á, trong đó các nhà lãnh đạo đến từ khu vực Đông Nam Á gồm Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat.