Với quyết định này, UAE trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm liều tăng cường cho người đã tiêm chủng đầy đủ.
Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Bộ Y tế UAE, Tiến sĩ Farida al-Hosani cho biết những người đã tiêm đủ hai liều vaccine Sinopharm sẽ được tiêm thêm một liều tăng cường cũng bằng vaccine này sau 6 tháng. Đây là một phần trong chiến lược phòng ngừa của Chính phủ UAE nhằm cung cấp sự bảo vệ tối đa cho người dân.
Tháng 12/2020, UAE bắt đầu chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn sau khi phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm và Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức). UAE sau đó cũng đã cấp phép sử dụng vaccine của AstraZeneca (Anh-Thụy Sĩ) và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tiêm phòng nhanh nhất thế giới, chỉ sau Israel. Hiện quốc gia vùng Vịnh đang triển khai kế hoạch sản xuất vaccine Sinopharm ở trong nước.
Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở UAE đã giảm dần trong thời gian qua. Tuy nhiên, số ca mắc mới ở nước này vẫn ở mức trên 1.000 ca/ngày, cao hơn nhiều so với các mức ghi nhận hồi năm ngoái, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đạt 117 liều/100 dân. Đến nay, UAE ghi nhận tổng cộng 547.000 ca mắc COVID-19 và hơn 1.600 ca tử vong.
* Kể từ ngày 1/8, Saudi Arabia yêu cầu người dân nước này phải có chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới được phép đến các trụ sở cơ quan chính phủ và cơ sở tư nhân hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Trong tuyên bố ngày 18/5, Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết tiêm vaccine sẽ là điều kiện bắt buộc khi ra/vào bất kỳ tòa nhà cơ quan chính phủ hay tư nhân nào cũng như các cơ sở giáo dục, vui chơi giải trí và thể thao. Quy định này cũng sẽ áp dụng bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng.
Trước đó một ngày, Chính phủ Saudi Arabia đã nới lỏng quy định với người đã tiêm vaccine phòng COVID-19, cho phép họ ra nước ngoài từ ngày 17/5 tới. Hai tuần trước, giới chức nước này cũng yêu cầu chỉ những người lao động đã tiêm phòng COVID-19 mới được phép đi làm trở lại sau một thời gian nghỉ phòng dịch.
Theo số liệu của Bộ Y tế Saudi Arabia, hơn 12 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân nước này. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Saudi Arabia ghi nhận hơn 435.000 ca mắc và 7.000 ca tử vong. Dân số quốc gia Vùng Vịnh này là khoảng 34 triệu người.