Malaysia cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của CanSino và Johnson & Johnson

Chính phủ Malaysia ngày 15/6 thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với các vaccine ngừa COVID-19 một mũi tiêm của hãng CanSino Biologics (Trung Quốc) và của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) phát triển. 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa bệnh COVID-19 do Hãng Johnson & Johnson sản xuất tháng 9/2020. Ảnh: AP/TTXVN

Malaysia đang tăng tốc chương trình tiêm chủng song song với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Bộ Y tế Malaysia cho biết nguồn cung vaccine Johnson & Johnson của nước này đến từ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ. Trong khi đó, Malaysia cũng đã đặt mua 3,5 triệu liều vaccine của CanSino nhưng chưa chính thức nhận lô vaccine nào.  

Hiện Bộ Y tế Malaysia đã phê chuẩn sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức) cho người từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ưu tiên của nước này vẫn là tiêm cho các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19.

Cho đến nay, Malaysia đã đảm bảo được 79,5 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có vaccine AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và Sinovac (Trung Quốc). Dự kiến, Malaysia sẽ tiếp nhận khoảng 1,3 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech trong tháng này và đầu tháng 7. Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 14/6, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 3,28 triệu người, tương đương 10% dân số.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Malaysia có chiều hướng giảm trong những ngày gần đây, sau khi chạm các mốc cao kỷ lục trong tháng 5. Số liệu của Bộ Y tế Malaysia công bố ngày 15/6 xác nhận thêm 5.419 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 667.876 ca, trong đó có 3.968 ca tử vong.

* Ngày 14/6, Thái Lan bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự phát triển và sản xuất. 

Chú thích ảnh
Chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine tại Đại học Chulalongkorn - Giáo sư Kiat Ruxrungtham, cho biết 72 tình nguyện viên ở độ tuổi từ 18-75 đã tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với vaccine ChulaCov19. Dự kiến, thử nghiệm giai đoạn 2 dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới với sự tham gia của 150 đến 300 tình nguyện viên. Trước đó, vaccine ChulaCov19 đã được thử nghiệm trên chuột và khỉ và cho kết quả khả quan. 

Theo Giáo sư Ruxrungtham, nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng chứng minh vaccine ChulaCov19 đạt hiệu quả tạo miễn dịch với virus SARS-CoV-2 ở người, Thái Lan có thể sẽ bắt đầu sản xuất vaccine này vào giữa năm 2022.

Vaccine ChulaCov19 mang đặc tính mRNA, do trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Chulalongkorn và các đối tác phát triển, là vaccine thứ hai của Thái Lan được thử nghiệm trên người sau vaccine ngừa COVID-19 được nuôi cấy trên trứng gà do Cơ quan Dược phẩm Chính phủ (GPO) sản xuất.

Phan An (TTXVN)
Khảo sát: Dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn nạn tham nhũng tại EU
Khảo sát: Dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn nạn tham nhũng tại EU

Đại dịch COVID-19 đã làm nạn tham nhũng trên khắp Liên minh châu Âu (EU) trở nên trầm trọng hơn, khi người dân đều có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, còn một số người lợi dụng khủng hoảng để thu lợi riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN