Brazil kéo dài thời hạn sử dụng lô vaccine của hãng Johnson & Johnson

Cơ quan quản lý y tế của Brazil (Anvisa) đã quyết định kéo dài thời hạn sử dụng đối với lô vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson từ 3 tháng lên 4 tháng rưỡi, theo đó nước này có thêm thời gian để sử dụng hết lô vaccine. 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Johnson & Johnson trung tâm phân phối ở Oss, Hà Lan ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Lô vaccine trên gồm 3 triệu liều lẽ ra sẽ hết hạn vào ngày 27/6 tới. Tuy nhiên, Brazil đã quyết định lùi hạn sử dụng lô vaccine này thêm 1 tháng rưỡi, sau động thái tương tự của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ. Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga cho biết lô vaccine trên dự kiến được chuyển đến Brazil vào ngày 16/6, chậm một ngày so với kế hoạch trước đó. Đây sẽ là lô vaccine đầu tiên trong tổng số 38 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson dự kiến được chuyển đến Brazil trong quý IV/2021. 

Với hơn 17 triệu ca mắc COVID-19, Brazil là nước có tổng số ca mắc bệnh này nhiều thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Ấn Độ. Đến nay, chỉ có 24,7% dân số quốc gia Nam Mỹ này được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu là các vaccine của Sinovac Biotech, AstraZeneca và Pfizer. Trong số này, chưa đến 50% được tiêm đủ liều 2 mũi.  

Ngày 14/6, Bộ Y tế Chile thông báo những đối tượng nam giới dưới 45 tuổi đã được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sẽ được tiêm mũi thứ hai bằng vaccine của hãng Pfizer.

Theo Bộ trưởng Y tế Paula Daza, kết quả một nghiên cứu do CombiVacs (Tây Ban Nha) tiến hành cho thấy việc kết hợp 2 loại vaccine này đem lại hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19. Trước đó, Chile đã quyết định nâng độ tuổi nam giới được tiêm vaccine của hãng AstraZeneca từ 18 lên 45 tuổi sau khi một nam thanh niên xuất hiện hội chứng đông máu 7 ngày sau khi tiêm mũi thứ nhất vaccine của AstraZeneca.

Đến nay, 61% dân số Chile đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và 48% đã được tiêm đủ liều. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đang triển khai tiêm vaccine cho đối tượng thanh thiếu niên. Nhằm khuyến khích người dân tiêm vaccine, Chính phủ Chile hồi tháng 5 vừa qua đã bắt đầu cấp “thẻ xanh” cho những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, theo đó cho phép họ được nới lỏng một số biện pháp hạn chế.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) công bố một nghiên cứu cho thấy việc tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 đem lại "hiệu quả cao" giúp giảm nguy cơ phải nhập viện do nhiễm biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. 

Cơ quan y tế trên đã tiến hành nghiên cứu 14.019 ca nhiễm biến thể Delta tại Anh từ ngày 12/4 – 4/6. Kết quả cho thấy nguy cơ phải nhập viện lần lượt giảm 96% và 92% nhờ tiêm đủ 2 mũi vaccine của hãng Pfizer và 2 mũi vaccine của AstraZeneca. 

Bà Mary Ramsay - người đứng đầu Cơ quan tiêm chủng thuộc PHE – cho biết những kết quả nghiên cứu quan trọng này xác nhận vaccine đem lại hiệu quả phòng ngừa đáng kể trước biến thể Delta xét nguy cơ nhập viện. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định mức độ hiệu quả của vaccine đối với nguy cơ tử vong do biến thể Delta. 

Cũng theo PHE, hiệu quả của vaccine trong phòng ngừa biến thể Delta tương đương hiệu quả phòng biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh. Trước đó, các báo cáo phân tích chỉ ra rằng 1 liều vaccine có hiệu quả phòng ngừa các biến chứng do biến thể Delta kém hơn 17% so với biến thể Alpha.   

Theo thống kê của Chính phủ Anh, gần 57% dân số trưởng thành tại Anh đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà hồi tháng 12/2020.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Tổng thống Mỹ kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng thống Mỹ kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng thống Mỹ Joe Biden khuyến cáo người dân Mỹ không nên buông lỏng phòng ngừa khi thấy dịch bệnh COVID-19 đang giảm dần tại nước này, theo đó ông kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa bệnh này trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã tới con số 600.000 ca. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN