Năm mới “ngọt ngào”
Cùng hàng triệu người Do Thái khắp nơi trên thế giới, ông Fettmann đang cùng gia đình đón chào Năm mới theo lịch Hebrew, với lễ Rosh Hashanah đánh dấu sự khởi đầu của khoảng thời gian kéo dài trong 10 ngày, và kết thúc bằng lễ Yom Kippur. Rosh HaShanah theo truyền thống là để kỷ niệm ngày Adam và Eva được Chúa tạo ra theo truyền thuyết trong Kinh thánh. Hàng ngàn năm thăng trầm lưu lạc, người Do Thái vẫn giữ gìn và thực hành gần như nguyên vẹn các phong tục và nghi lễ tôn giáo của cha ông.
Là một Rabbi, ông Fettmann mở một trung tâm giảng dạy về kinh thánh và kinh Talmud, gồm tất cả mọi khía cạnh của Do Thái giáo, không chỉ cho người theo đạo Do Thái mà cả các tôn giáo khác. Rabbi thường cũng là lãnh đạo tinh thần của một giáo phận hoặc cộng đồng Do Thái. Hằng năm, lúc Mặt Trời bắt đầu lặn trong ngày đầu tiên của Năm Mới, ông Fettmann lại cùng gia đình ra một giáo đường gần nhà để cầu nguyện. Truyền thống này gần như bắt buộc với các tín đồ Do Thái, trước khi các thành viên trong gia đình cùng trở về nhà quây quần trong bữa cơm năm mới.
Bữa cơm gia đình đầu năm mang một nét truyền thống đặc trưng thú vị của người Do Thái. Đây là dịp chỉ có các thành viên trong gia đình sum vầy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, họ có thể mời một người già cô đơn đến dùng chung bữa tối, thể hiện sự san sẻ và đùm bọc cộng đồng. Các món chính thường bao gồm đầu cá, bánh mì vòng challah, táo ngâm mật ong, quả lựu, rượu vang, củ cải đỏ, đậu đũa... Mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa nhất định, hầu hết đều được thêm mật ong làm gia vị để thêm phần ngọt ngào. Táo ngâm mật ong sẽ mở ra một năm mới ngọt ngào. Đầu cá thể hiện cho từ Rosh (cái đầu) trong cụm Rosh Hashanah, đồng thời là biểu hiện cụ thể cho câu cầu nguyện “hãy làm đầu, đừng làm đuôi”. Bánh mì hình bím tóc tượng trưng cho năm mới quay vòng. Quả lựu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và no đủ.
Trước mỗi món, cả gia đình lại cầu nguyện và chúc tụng bằng những câu được trích ra ghi trong sách Sự sống của Kinh Talmud. Tất cả đều cầu mong cho sự thịnh vượng, may mắn và no đủ. Sau đó từng món sẽ được chia cho mỗi thành viên trong gia đình. Sau bữa cơm là chúc phúc và viết thiệp mừng. Mọi người sẽ chúc nhau câu “Shana Tova umetukah”, trong tiếng Do Thái cụm từ này có nghĩa là “Năm mới tốt lành và ngọt ngào”. Ông Fettmann giải thích: “Năm mới có thể tốt lành cả năm, nhưng Shana Tova Umetukah nghĩa là ‘tốt lành và ngọt ngào’. Đó là lý do tại sao chúng tôi có mật ong. Đó là lý do chúng tôi chấm táo vào mật ong”.
Mạch ngầm của lịch sử
Căn hộ của vợ chồng ông Fettmann nằm trong một tòa chung cư mới xây ở Jerusalem, Israel. Cũng giống như bao căn hộ của người Do Thái khác, nội thất và thiết bị trong nhà dù hiện đại đến đâu cũng không thể làm lu mờ nét truyền thống, thậm chí cũ kỹ của “góc Do Thái”: Tủ gỗ, bàn làm việc chạm khắc cầu kỳ. Giá sách chất đầy kinh thánh và sách tôn giáo với chữ bìa mạ vàng. Những chân nến bằng bạc tinh tế và sang trọng. Tấm ảnh đen trắng phảng phất nỗi đau của nạn Diệt chủng thời Thế chiến Thứ II. Chiếc kèn Shofar với chất sừng ánh lên sự trường tồn của dân tộc. Chuyển về Israel sau nhiều năm sinh sống tại Singapore, các vật dụng này được ông Fettmann mang theo và giữ gìn cẩn thận.
Mỗi vật dụng, từ chiếc “Hộp từ thiện”, hộp diêm, giá nến, kèn Shofa… đều mang một vẻ ngoài cầu kỳ và linh thiêng tôn giáo. Mỗi nghi thức kèm theo đều thể hiện một thông điệp và ý nghĩa sâu xa mà người Do Thái muốn gửi gắm và tự răn trong ngày đầu năm. Bỏ tiền vào “Hộp từ thiện” là một truyền thống tốt đẹp, có nguồn gốc từ Kinh Torah với điều răn “hãy mở rộng vòng tay với người nghèo, cho hoặc cho vay bất cứ những gì họ cần để có thể thoát nghèo”. Kèn Shofar được làm từ sừng của con cừu đực, tiếng kèn đánh thức bản thân “Hãy sám hối, hãy ngừng làm điều xấu và tăng cường làm việc tốt”. Châm nến để tưởng nhớ tới các bậc tổ tiên sinh thành. Viết thiệp chúc mừng năm mới cho cả gia đình một năm mới nhiều may mắn.
Do lịch của người Do Thái khác với lịch của các nước khác, nên đầu năm thường rơi vào tháng 9 hoặc tháng 10 của Công lịch. Năm nay, năm mới bắt đầu từ ngày 7/9, là ngày đầu tiên của tháng Tishri – tháng thứ bảy theo lịch Do Thái. Tuy nhiên, với người Do Thái “ngày” được tính từ lúc Mặt Trời lặn vào hôm trước đến lúc Mặt Trời lặn vào hôm sau, nên Tết năm nay thực sự kết thúc khi màn đêm buông xuống trong ngày 16/9, cũng là lúc hết lễ Yom Kippur.
Nếu Rosh HaShanah theo nghĩa đen là "Đầu của năm", thì Yom Kippur có nghĩa là “chuộc tội”. Đây là ngày lễ linh thiêng nhất của người Do Thái. Mọi người nhịn ăn để tập trung cao độ cho việc cầu nguyện diễn ra gần như cả ngày trong nhà thờ. Họ suy nghĩ về hành động đã qua, về những sai lầm nếu có, thành tâm sám hối, sửa chữa và cầu xin sự tha thứ. Trong ngày Yom Kippur, dường như mọi hoạt động xã hội đều tạm dừng. Các cửa hàng kinh doanh, phát thanh truyền hình tới giao thông công cộng đều không hoạt động.
Tinh thần chính của Yom Kippur là sám hối, được cộng đồng Do Thái khoảng 15 triệu người khắp nơi trên thế giới duy trì và thực hành trong suốt chiều dài lịch sử đầy thăng trầm. Ông Fettmann cho biết: Người Do Thái coi ngày lễ Yom Kippur là một phiên tòa tối cao, nơi mọi người đối mặt với quan tòa là Chúa trời. Cả một tháng trước “Ngày phán xét”, họ dậy từ rất sớm, cầu nguyện, suy nghĩ về những lỗi lầm đã phạm trong suốt năm qua, kể cả những lỗi lầm không tự ý thức. Sau đó, họ tự răn sẽ không lặp lại lỗi lầm và cuối cùng là cầu xin sự tha thứ.
Cộng đồng Do Thái tại Israel chiếm khoảng 75% trên tổng dân số 9,5 triệu và đang tiếp tục tăng lên khi mỗi năm lại có thêm hàng chục ngàn người Do Thái hồi hương (Aliyah). Trải qua hàng nghìn năm lưu lạc và bị xua đuổi, người Do Thái từ một dân tộc tưởng chừng có lúc đã diệt vong nay đang hồi sinh với những thành tựu kinh tế, khoa học khiến cả thế giới kinh ngạc. Trong thành tựu đó có sự đóng góp thầm lặng của những người như gia đình ông Fettmann, những người đang góp phần duy trì mạch ngầm tôn giáo trong dòng chảy của dân tộc Do Thái.