Lý do khiến Mỹ dễ bị tổn thương khi đối mặt với khủng hoảng dầu mỏ

Các chuyên gia trong ngành dầu mỏ đã chỉ ra lý do tại sao Mỹ dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng dầu mỏ do biến động ở Trung Đông.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark ở ngoài khơi Vùng Vịnh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo trang oilprice.com, Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, khai thác khoảng 13 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, Mỹ cũng là nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất, là nhà xuất khẩu lớn và đang là quốc gia có kho dự trữ dầu chiến lược trống rỗng. Ông Harold Hamm, nhà sáng lập công ty dầu Continental Resources, đánh giá Mỹ dễ bị tổn thương một cách bất thường trước cú sốc dầu mỏ.

Chỉ một tháng trước, một cú sốc như vậy dường như không có khả năng xảy ra. Cuộc chiến ở Trung Đông đã kéo dài một năm và nguồn cung dầu vẫn chưa bị gián đoạn. Mọi thứ đã thay đổi trong tuần qua sau khi Iran thực hiện một loạt cuộc tấn công tên lửa chính xác vào Israel. Israel tuyên bố sẽ đáp trả và Iran nói rằng họ sẽ phản ứng trước bất kỳ hành động trả đũa nào.

Chỉ trong vòng vài giờ, nguồn cung dầu từ Trung Đông không còn được đảm bảo. Một ngày sau, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Tổng thống Joe Biden nói với giới truyền thông rằng Nhà Trắng đang thảo luận với Israel về các cuộc tấn công cơ sở dầu mỏ của Iran. Mặc dù ông Biden không nói rõ ràng nhưng chỉ riêng việc đề cập đến cuộc thảo luận này đã khiến giá dầu tăng cao. Trong khi đó, đây không phải là thời điểm thích hợp để giá dầu tăng ở Mỹ.

Ông Harold Hamm, Sáng lập viên kiêm Chủ tịch điều hành của Continental Resources, nhận định với tờ Financial Times: “Họ đã rút cạn kho dự trữ chiến lược dầu mỏ (SPR), và kho dự trữ tại các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Chúng ta sẽ không bao giờ biết khi nào cần đến kho này. Việc này giống như việc lúc nào cũng phải có xăng trong xe vậy”.

Theo ông Hamm, Mỹ đang ở hoàn cảnh cực kỳ dễ bị tổn thương khi mọi người đều đang hướng chú ý về Trung Đông như suốt 4 năm qua.

Trong thực tế, SPR của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 40 năm sau khi chính quyền của ông Biden xả một lượng lớn dầu ra thị trường vào năm 2022 nhằm kiềm chế giá dầu tăng mạnh sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Từ đó đến nay, chính phủ liên bang Mỹ đã chậm trễ bổ sung kho dự trữ, chủ yếu vì giá quá cao. Một số người thậm chí còn cho rằng Mỹ không cần kho dự trữ chiến lược như vậy nữa, vì Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, họ dường như quên rằng, thứ nhất, dầu được giao dịch toàn cầu, và thứ hai, dù Mỹ là nhà sản xuất dầu lớn nhất, nhưng cũng là nước tiêu thụ lớn nhất, thậm chí tiêu thụ khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày nhiều hơn so với lượng sản xuất. Điều này khiến Mỹ dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động giá dầu toàn cầu.

Tất nhiên, khủng hoảng không xảy ra ngay lập tức. Nhưng chỉ riêng việc gợi ý rằng dòng chảy dầu từ Trung Đông có thể bị gián đoạn đã đủ để tạo ra căng thẳng trong nền kinh tế vốn mới phục hồi ở mức độ đủ để thuyết phục ngân hàng trung ương rằng lãi suất có thể giảm một chút. Mỹ vẫn còn yếu về mặt kinh tế, chưa kể giá dầu tăng cao một tháng trước cuộc bầu cử có thể gây thiệt hại lớn cho đảng cầm quyền.

Hiện tại, phản ứng của thị trường dầu mỏ đối với các sự kiện mới nhất ở Trung Đông khá bình tĩnh. Nhà báo Matt Egan tại kênh CNN ví rằng điều này phản ánh tâm lý "cậu bé chăn cừu và chó sói". Kể từ năm 2023, các nhà giao dịch dường như đã loại trừ khả năng xảy ra khủng hoảng dầu vì dù có chuyện gì xảy ra ở Trung Đông, Iran vẫn giữ im lặng, nhưng điều này đã thay đổi trong tuần trước khi Iran dội tên lửa vào Israel.

Ông Bob McNally tại công ty Rapidan Energy Group nhận định: “Điều này sẽ trở nên tồi tệ rồi mới khá lên được. Câu chuyện về cậu bé chăn cừu và chó sói không kết thúc tốt đẹp, cho cả ngôi làng và cậu bé”. Trong trường hợp của “ngôi làng” Mỹ, ông Harold Hamm cho rằng việc chính quyền Mỹ thắt chặt ngành dầu khí là một chính sách sai lầm, đồng thời chỉ trích chính quyền vì đã làm suy yếu an ninh năng lượng trong thời điểm địa chính trị khó khăn.

Trong khi đó, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ đã phản bác chỉ trích này. Ông nói rằng chính phủ liên bang hiện tại đã thực sự tăng cường an ninh năng lượng của Mỹ khi đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng và mua dầu cho SPR.

Quan chức này nói: “Mọi người nói rằng điều này sẽ phá vỡ thị trường, nhưng điều đó đã không xảy ra. Mọi người sau đó nói rằng chúng ta sẽ có giá dầu lên tới 100 USD trong năm nay, nhưng điều đó cũng chưa xảy ra. Mọi người nói rằng chúng ta sẽ không thể nạp đầy SPR. Nhưng chúng ta đang nạp đầy SPR. Chúng ta đã lập kế hoạch vào tháng 1/2022 và chúng ta đã tuân theo kế hoạch đó mà không hề lệch hướng, bất chấp mọi dự đoán u ám”.

Hiện tại, Mỹ còn lượng dầu tương đương khoảng 19 ngày cung ứng dầu khẩn cấp trong SPR. Số lượng này sẽ đủ nếu giá tăng đột biến trong thời gian ngắn. Còn về khả năng giá dầu lên tới 100 USD/thùng, điều đó vẫn có thể xảy ra trừ khi có ai đó gỡ được “quả bom” địa chính trị ở Trung Đông. Đây là những thời điểm đầy thách thức và dường như thậm chí còn thách thức hơn đối với nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, đài Sputnik của Nga dẫn lời cảnh báo của ông Marc Ayoub, thành viên tại Viện Tahir về Chính sách Trung Đông, cho hay trong trường hợp Israel quyết tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran để đáp trả đợt tấn công tên lửa hồi đầu tuần qua, thì thiệt hại đối với các cơ sở dầu thô của Iran chắc chắn sẽ gây ra hậu quả và gây áp lực lên thị trường năng lượng toàn cầu.

Chú thích ảnh
Một nhà máy lọc dầu ở Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN

Ông lưu ý rằng trong vài ngày qua, giá dầu đã tăng và có thể đạt 80 USD/thùng ngay cả trước khi Israel tấn công.

Bình luận của ông Ayoub được đưa ra vào thời điểm Israel đang cân nhắc phản ứng trước cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Các quan chức Israel tiết lộ một trong những lựa chọn là tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran và đang thảo luận các phương án với đồng mình Mỹ. 

Nhà phân tích Marc lý giải: "Điều này có thể tương tự như những gì đã xảy ra khi Iraq tấn công Kuwait vào năm 1990 tùy thuộc vào quy mô của cuộc tấn công. Nguy cơ xung đột có thể khiến giá dầu tăng lên và vượt mốc 100 USD. Dự kiến ​​chúng ta sẽ tổn thất 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày".

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Iran là thành viên của Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Iran, mặc dù chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, đã sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2023. Các nhà phân tích của ANZ cho biết sản lượng dầu của Iran đã tăng lên mức cao nhất trong sáu năm là 3,7 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2024.

Cuộc họp ngày 2/10 của các bộ trưởng hàng đầu của OPEC và các đối tác (OPEC+) - một ngày sau khi Iran tấn công Israel - đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng dầu. Nhóm này dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 12/2024.

Ngay sau cuộc tấn công 1/10, giá dầu Brent Biển Bắc 34 xu Mỹ (0,46%) lên 73,90 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 27 xu Mỹ (0,39%) lên 70,10 USD/thùng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Giá dầu thế giới đổi hướng sau một tuần tăng mạnh
Giá dầu thế giới đổi hướng sau một tuần tăng mạnh

Giá dầu thế giới đã đổi hướng sau một tuần tăng mạnh do căng thẳng leo thang tại Trung Đông. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 6/10/2024, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 0,72%, xuống 77,52 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,63%, xuống 73,91 USD/thùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN