Căng thẳng Trung Đông leo thang có đẩy giá dầu và xăng tăng?

Trong tuần qua, Iran đã phóng tên lửa vào Israel khiến quốc gia Trung Đông đe dọa trả đũa. Sự gia tăng căng thẳng làm dấy lên nguy cơ gián đoạn dòng chảy dầu từ Trung Đông ra thế giới, tạo yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng. Nhiều ý kiến lo ngại rằng giá dầu sẽ tiếp tục đi lên, kéo theo giá xăng thế giới tăng và rất có thể lạm phát cao sẽ quay trở lại đe dọa nền kinh tế thế giới.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu tại Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên thực tế, giá dầu đã tăng hơn 6 USD/thùng trong tuần từ 30/9 đến hết 4/10, kéo theo giá xăng cũng tăng. Trên thị trường Mỹ, giá trung bình cho một gallon xăng (3,785 lít) đã tăng 5 xu Mỹ so với tuần trước đó. Bất kỳ sự leo thang nào về căng thẳng ở Trung Đông đều gợi lại ký ức về lệnh cấm vận dầu sau khi Chiến tranh Yom Kippur nổ ra vào năm 1973, khiến giá dầu tăng gấp bốn lần.

Tuy nhiên, nguồn cung dầu toàn cầu đã thay đổi đáng kể tính từ những năm 1970, với việc Mỹ - cường quốc dầu đá phiến - đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Và trong nhiều tháng qua, khi giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas và lực lượng Hezbollah liên tục diễn ra, giá dầu biến động với một phạm vi hẹp và gần như không tăng. Các chuyên gia nhận định chỉ khi xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran mới khiến giá dầu bị tác động mạnh.

Giá xăng tăng, nhưng rẻ hơn năm ngoái

Giá xăng tại Mỹ thường biến động cùng chiều với giá dầu thô, vì giá dầu chiếm một nửa chi phí trong mỗi một gallon xăng. 

Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình trên toàn quốc, hiện tăng lên khoảng 3,18 USD/gallon. Nhưng con số này vẫn thấp hơn 13 xu Mỹ so với giá của một tháng trước và thấp hơn 60 xu Mỹ so với một năm trước. Giá xăng trung bình cao kỷ lục của Mỹ là 5 USD/gallon được ghi nhận vào tháng 6/2022.

Do đó, phát ngôn viên của AAA, ông Andrew Gross, cho rằng mặc dù có nguy cơ chiến tranh và mùa mưa bão vẫn đang tiếp diễn, nhưng giá xăng trong nước của Mỹ vẫn duy trì xu hướng giảm.

AAA ước tính rằng khoảng 1,2 triệu thành viên của tổ chức này sống trong các hộ gia đình có một hoặc nhiều xe điện. Do đó, nhu cầu xăng duy trì ở mức thấp và chi phí dầu thấp có khả năng sẽ giữ cho giá xăng tiếp tục giảm trong những tháng tới.

Triển vọng giá dầu

Giá dầu trong dài hạn dự báo sẽ giảm, thay vì tăng. Đây là nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế, vì cán cân cung cầu của dầu đang nghiêng về phía cung - một động lực thường tác động tiêu cực đến giá dầu.

Các bến cảng xuất khẩu như đảo Kharg ở Vịnh Ba Tư có thể là mục tiêu tấn công của Israel. Khu cảng này đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu thô từ Iran ra nước ngoài, chủ yếu đến các nước châu Á, bao gồm Trung Quốc. Hiện tại, Iran sản xuất 3,99 triệu thùng dầu/ngày, chiếm 4% tổng sản lượng của thế giới. Để so sánh, Saudi Arabia sản xuất khoảng 9 triệu thùng/ngày.

Mặc dù bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt gây cản trở sản lượng và xuất khẩu, nhưng Iran vẫn tìm cách duy trì ngành dầu mỏ quốc gia và mở rộng xuất khẩu. Tính đến giữa năm nay, nước này đã xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày, tăng từ 500.000 thùng/ngày vào năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn mức 2,5 triệu thùng/ngày vào năm 2018. Nếu bị Israel tấn công, chắn chắn khả năng cung cấp dầu của Iran sẽ gặp khó khăn.

Nhưng trong bản cập nhật gần đây nhất về thị trường năng lượng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu trong nửa đầu năm 2024 đã tăng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó, nguồn cung tiếp tục tăng và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, gọi là OPEC+, đã thông báo về kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu, bắt đầu từ tháng 12/2024.

Nhà phân tích Amarpreet Singh của ngân hàng Barclays nhận định, các yếu tố cơ bản dường như đang đi theo hướng ngược lại với những căng thẳng leo thang gần đây, trong điều kiện lượng dầu thô xuất khẩu của Iran ở mức cao nhất trong nhiều năm. Điều này cho thấy khả năng gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung dầu toàn cầu là rất thấp.

Chuyên gia Tom Kloza, Giám đốc toàn cầu của bộ phận phân tích năng lượng thuộc Oil Price Information Service, ước đoán giá dầu đang tiến đến đỉnh điểm. Ông nói rất có thể dầu Brent sẽ rất nhanh chạm mốc 80 USD/thùng, hoặc cao hơn một chút. Tuy nhiên, trong dài hạn, triển vọng giá đi xuống.

Ông lý giải, ngay khi mọi thứ lắng xuống, các nhà giao dịch dầu sẽ tập trung vào năm 2025. Đây sẽ là một năm rất khó khăn đối với dầu thô thế giới, vì nguồn cung gần như chắc chắn sẽ vượt nhu cầu từ 500.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày.

Diệu Linh/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu hướng đến mức tăng kỷ lục
Giá dầu hướng đến mức tăng kỷ lục

Giá dầu thế giới đã tăng trong phiên ngày 4/10 và hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất trong hơn một năm do nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông ngày càng tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN