Lý do khiến điện thoại Trung Quốc Xiaomi thống trị thị trường Ấn Độ

Chỉ qua vài năm, Xiaomi đã trở thành thương hiệu phổ biến nhất trong thị trường điện thoại giá rẻ khổng lồ của Ấn Độ. Vậy điều gì đã khiến Xiaomi nhanh chân “thâu tóm” được thị trường béo bở Ấn Độ?

Chú thích ảnh
Xiaomi gia nhập thị trường Ấn Độ từ năm 2015. Ảnh: BBC

BBC cho biết các công ty Trung Quốc hiện kiểm soát hơn một nửa thị trường điện thoại thông minh của Ấn Độ ước tính có trị giá 8 tỷ USD với hơn 450 triệu người sử dụng.

Riêng Xiaomi chiếm lĩnh tới 28% thị trường Ấn Độ. Đây là bước tiến đáng kể của công ty Trung Quốc này vì năm 2016 mới chỉ nắm được 3% thị trường Ấn Độ. Samsung của Hàn Quốc đứng sau Xiaomi với 25% và các hãng điện thoại mới của Trung Quốc ví dụ như Realme cũng phổ biến hơn với người tiêu dùng Ấn Độ.

Ngày 21/10, chỉ sau 15 phút, chiếc điện thoại thông minh mới nhất của Xiaomi là Redmi Note 8 đã “cháy hàng” trong chương trình "flash sale" của kênh mua sắm trực tuyến tại Ấn Độ. Một phóng viên công nghệ Ấn Độ có tên Mala Bhargava chia sẻ với đài BBC (Anh): “Bạn phải đăng ký trực tuyến trước và liên tục theo dõi chương trình flash sales”.

Đây là một chiến thuật của Xiaomi, điện thoại của công ty Trung Quốc này mặc dù được bán cả trên trang điện tử và các cửa hàng nhưng những mẫu mới lại được ưu tiên bán trực tuyến trước. Điện thoại bán trực tuyến chiếm tới hơn nửa doanh thu các dòng điện thoại mới của Xiaomi.

Ông Jayanth Kolla tại công ty nghiên cứu và tư vấn Convergence Catalyst cho biết khi bước chân vào thị trường Ấn Độ năm 2015, Xiaomi không đầu tư vào mở cửa hàng mà thay vào đó tập trung bán sản phẩm qua trang bán lẻ trực tuyến. Điều này góp phần giảm chi phí phân phối, đồng nghĩa với việc điện thoại Xiaomi sẽ rẻ hơn.

Chú thích ảnh
Xiaomi hiện là thương hiệu điện thoại thông minh nổi tiếng tại Ấn Độ. Ảnh: BBC

“Ngôi sao” của Xiaomi là dòng điện thoại Redmi với camera 64 megapixel nhưng có mức giá chỉ từ 9.999 rupeee (khoảng 3,2 triệu) tới 17.999 rupee (khoảng 5,8 triệu).

Người dân Ấn Độ nhanh chóng “cảm tình” với Redmi bởi có vẻ ngoài giống iPhone của Apple nhưng mức giá chỉ bằng 1/3. Ông Kolla nói: “Tất cả mọi người đều muốn có iPhone nhưng sẽ chấp nhận mua điện thoại “gần giống iPhone” cho đến khi mua được một chiếc xịn”.

Một lý do khác tạo điều kiện cho tăng trưởng của Xiaomi và các hãng điện thoại Trung Quốc khác tại thị trường Ấn Độ là sự sụp đổ từ từ của các hãng điện thoại bản địa do thiếu năng lực đáp ứng mạng 4G.

Nhà phân tích công nghệ Neil Shah tại Counterpoint Research nói: “Từng có thời điểm các hãng điện thoại Ấn Độ như Micromax dẫn đầu thị trường. Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong 2016 và 2017 khi mạng 4G xuất hiện tại Ấn Độ”.

Thời điểm mạng 4G “hạ cánh” tại Ấn Độ, các công ty Trung Quốc vốn đã gặt hái thành công từ trước đó với điện thoại thông minh giá rẻ mạng 4G tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên, cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ vẫn rất khó khăn và chưa từng có công ty nào giữ vị trí thống trị được lâu.

Ngoài ra, ông Kolla đánh giá Xiaomi cần sáng tạo và ra mắt sản phẩm mới nếu không sẽ mắc kẹt tại phân khúc điện thoại giá rẻ trong thời gian dài.

Hà Linh/Báo Tin tức
Lệnh trừng phạt giúp điện thoại thông minh Triều Tiên tìm được vị thế
Lệnh trừng phạt giúp điện thoại thông minh Triều Tiên tìm được vị thế

Triều Tiên đã tận dụng lệnh trừng phạt không có dấu hiệu nhượng bộ của Liên hợp quốc (LHQ) để tự sản xuất đáp ứng nhu cầu nội địa về điện thoại thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN