Các hãng hàng không châu Âu vẫn đang duy trì những chuyến bay gần như trống không trong mùa dịch COVID-19 chỉ để duy trì những vị trí đỗ giá trị tại sân bay. Điều này đang dấy lên chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà hoạt động về việc lãng phí số tiền khổng lồ và ảnh hưởng tới môi trường từ những chuyến bay không hành khách.
Theo một quy định được gọi là “sử dụng hoặc là mất” (use-it-or-lose-it), được quy định theo luật EU, các hãng hàng không phải bay 80% các chuyến bay của họ trên một vị trí đỗ để bảo vệ sự hiện diện tại các sân bay lớn cho mùa tiếp theo.
Điều này đã dẫn đến một tình huống trong đó nhiều hãng hàng không đang phải vận hành các chuyến bay hầu như không có hành khách trên máy bay.
Xem video những chuyến bay của hàng không thế giới khi dịch COVID-19 lan rộng (Nguồn: CGTN):
“Nhu cầu đi lại bằng đường không của du khách đã lao dốc khi dịch COVID-19 lan rộng ra toàn thế giới, và trong một số trường hợp, chúng tôi buộc phải thực hiện những chuyến bay gần như trống không, nếu không sẽ để mất những chỗ đỗ giá trị”, ông Keith Shai Weiss, CEO của Virgin Atlantic, trả lời kênh CNBC qua email ngày 10/3.
“Sau khi xảy ra tác động gần như chưa có tiền lệ đối với nhu cầu hành khách toàn cầu, điều phối viên về chỗ đỗ máy bay của Anh và Ủy ban châu Âu lúc này cần khẩn trương nới lỏng các quy tắc cho cả mùa Hè”, ông Weiss kêu gọi dừng áp dụng quy tắc “sử dụng hoặc mất chỗ”.
Hôm 9/3 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Grant Shapps đã gửi thư cho Ủy ban châu Âu kêu gọi chấm dứt quy tắc “sử dụng hoặc là mất”. Ông tranh luận rằng các hãng hàng không yêu cầu cứu trợ “tạm thời” khỏi quy định này, nói thêm rằng điều đó mang ý nghĩa cả về môi trường và tài chính.
Ông Tim Alderlade, Giám đốc điều hành của Airlines UK, hôm 10/3 cũng cho rằng, trong tình huống đặc biệt và đầy thách thức này, việc buộc các hãng hàng không phải bay không hành khách là lãng phí tiền bạc, nhiên liệu và tạo ra khí thải carbon. “Chúng ta rất cần một quyết định tạm đình chỉ quy tắc ‘sử dụng hoặc mất chỗ’, cho phép các hãng hàng không phản ứng dựa trên nhu cầu của hành khách và sử dụng máy bay của họ một cách hiệu quả”.
Theo Tạp chí Phố Uôn, dẫn nguồn tin hiểu biết vấn đề, Ủy ban châu Âu hiện đã đồng ý với việc đình chỉ các quy tắc khắt khe về giữ chỗ tại sây bay, cho phép các hãng hàng không loại bỏ những chuyến bay không khách.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết bà lo ngại tình hình này trong ngành công nghiệp hàng không sẽ nặng nề hơn trong những ngày và những tuần tới. "Dịch Corona gây ảnh hưởng lớn với ngành công nghiệp hàng không châu Âu và quốc tế. Chúng tôi nhận thấy tình hình đang xấu đi hàng ngày, lượng khách bay sẽ còn giảm nữa. Đó là lý do tại sao Ủy ban sẽ thúc đẩy quy định mới liên quan đến giữ chỗ tại sân bay", bà Ursula von der Leyen nói. "Chúng tôi muốn giúp các hãng hàng không dễ dàng giữ chỗ đỗ, kể cả khi họ không vận hành chuyến bay từ những vị trí này, do lưu lượng khách đang sụt giảm".
Tập đoàn IAG, chủ sở hữu của British Airways và easyJet, đều nói với CNBC hôm 10/3 rằng họ ủng hộ việc tạm dừng quy tắc “sử dụng hoặc mất chỗ”. “Điều này sẽ đảm bảo rằng các hãng hàng không sẽ không thực hiện chuyến bay với một nửa chỗ trống chỉ để giữ chỗ, một tình trạng không chỉ xấu cho doanh nghiệp mà còn cho môi trường”, một phát ngôn viên của easyJet cho biết.
Trong khi đó, ông Mitch Doug Parr, chuyên gia Khoa học trưởng tại tổ chức Hòa bình Xanh của Anh, lên tiếng chỉ trích: “Thật phi lý khi cho cất cánh những chiếc máy bay trống không và gây ra khí thải làm nóng hành tinh. Điều hợp lý cần làm lúc này là đình chỉ quy định ‘sử dụng hoặc mất chỗ’ để các hãng hàng không có thể cho các máy bay không khách nằm đất và tiết kiệm nhiều tấn CO2”. “Dù có hay không các chuyến bay trống, ngành hàng không vẫn còn một chặng đường dài để giải quyết vấn đề khí hậu, và các cơ quan quản lý cần phải tham gia chứ không chỉ đứng ngoài nhìn”, ông Parr bổ sung.
Tính đến ngày 12/3, tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lên tới 126.300 người, gần 4.633 bệnh nhân đã tử vong và dịch bệnh đã lan ra 124 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Theo tờ Guardian (Anh), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã ước tính ngành công nghiệp này có thể tổn thất 113 tỉ USD doanh thu do dịch COVID-19. ACI Europe, tổ chức đại diện cho các sân bay châu Âu, cho biết trong một đánh giá sơ bộ rằng số hành khách bay từ tháng 1 đến tháng 3 sẽ giảm 14%.
Hôm 10/3, Hãng hàng không quốc gia Anh British Airways đã ngừng toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Italy. Tập đoàn hàng không Air France-KLM của Pháp - Hà Lan cho biết nhánh tại Paris của tập đoàn đã hủy 3.600 chuyến bay chỉ trong tháng này.