Chiến dịch săn bắn lạc đà hoang dã diễn ra tại vùng Anangu Pitjantjatjara Yankunytjatjara (APY), bang Nam Australia, nơi có khoảng 2.300 thổ dân sinh sống.
Đại diện APY Richar King nhấn mạnh chiến dịch này là cần thiết nhằm bảo vệ nguồn nước uống cho cộng đồng thổ dân. Ông cho biết những con lạc đà yếu ớt thường bị mắc kẹt và chết trong các hố nước, làm ô nhiễm nguồn nước của người dân địa phương cũng như các loài động vật và chim bản địa.
Lạc đà vốn không phải là loài bản địa ở Australia. Chúng được đưa từ Ấn Độ tới nước này trên những con tàu vào những năm 1840. Trên 20.000 con lạc đà được nhập khẩu từ Ấn Độ giữa những năm 1840 đến 1900.
Gần 200 năm sau, Australia được cho là nước có số lượng lạc đà hoang dã nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, loài động vật này đã trở thành loài gây hại khi chúng lang thang trong các sa mạc của đất nước này, làm bần nguồn nước và chà đạp hệ thực vật bản địa trong quá trình tìm kiếm thức ăn.
Chiến dịch săn bắn lạc đà được triển khai sau khi Australia vừa trải qua một năm nắng nóng và khô hạn nhất, với các trận hạn hán khắc nghiệt khiến một số thị trấn cạn kiệt nước và làm bùng phát các đám cháy rừng nghiêm trọng. Hạn hán nghiêm trọng đã đẩy những đàn lạc đà hoang dã về phía những thị trấn xa xôi tìm kiếm nước, gây nguy hiểm cho cộng đồng bản địa.
Người dân địa phương cũng phàn nàn những con lạc đà đã đe dọa nguồn dự trữ thực phẩm và nguồn nước đang khan hiếm, bên cạnh đó còn gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và gây ra mối nguy hiểm cho các tài xế.