Phát biểu tại một cuộc họp của ĐHĐ LHQ nhân Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chế độ nô lệ và buôn bán nô lê xuyên Đại Tây Dương (25/3), ông Volkan nhấn mạnh rằng các hình thức bóc lột nô lệ thời hiện đại vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Tính đến năm 2016, ước tính có hơn 40,3 triệu người phải sống trong chế độ nô lệ thời hiện đại, hơn 70% trong số này là phụ nữ và trẻ em gái. Đáng buồn hơn, cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ là nạn nhân của hành vi bóc lột nô lệ.
Ông Bozkir nêu rõ đại dịch COVID-19 gây nguy cơ làm thụt lùi nỗ lực chung trong việc chấm dứt chế độ nô lệ thời hiện đại cũng như làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ nghèo đói, giảm sự minh bạch về chất lượng lao động đồng thời gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương, khiến nhiều người trở thành nạn nhận của tình trạng bóc lột sức lao động.
Ông Bozkir hối thúc cộng đồng quốc tế cần phải cảnh giác nếu muốn bảo vệ Hiến chương của LHQ và bảo vệ các quyền của con người. Ông nhấn mạnh: "Khi quanh ta có những người những người quay lưng lại với các hành vi bất công, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm can thiệp".
Năm 2007, LHQ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Quốc tế tưởng niệm nạn nhân của chế độ nô lệ và buôn bán nô lê xuyên Đại Tây Dương (25/3). Các hoạt động trong ngày này nhằm tưởng niệm những người đã phải chịu đựng và thiệt mạng do hành vi buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Theo LHQ, trong vòng hơn 400 năm qua có hơn 15 triệu người, bao gồm nam giới, phụ nữ và trẻ em, là nạn nhân của thảm kịch buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Đây là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.