Liên hợp quốc cần thêm 3,6 tỷ USD để ứng phó đại dịch COVID-19

Ngày 16/7, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi tăng cường thêm 3,6 tỷ USD cho Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu của tổ chức này để phục vụ các nỗ lực chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cảnh báo các quốc gia phát triển về "cái giá của sự thờ ờ" nếu các nước nghèo hơn không nhận được hỗ trợ.

Chú thích ảnh
Trẻ em suy dinh dưỡng được điều trị tại trung tâm y tế ở thị trấn Baidoa thuộc khu vực Bay, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách về các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock nhấn mạnh nguy cơ nạn đói sẽ xảy ra tại nhiều nơi thế giới vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau và các nước cần đầu tư ngay từ bây giờ để ngăn chặn nguy cơ này. Ngoài Somalia, Nam Sudan, Yemen và Nigeria, những quốc gia vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thì các quốc gia khác như Sudan, Zimbabwe và Haiti đang ngày càng có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng này.

Theo ông Lowcock, nguồn vốn bổ sung sẽ được dùng để ứng phó với nạn đói gia tăng trên toàn cầu, hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, và chi trả cho các dự án hỗ trợ trang thiết bị y tế, các chiến dịch thông tin và thiết lập các cầu hàng không nhân đạo ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.     

Phó Tổng thư ký LHQ cũng đánh giá trong thời gian qua, phản ứng của các nước giàu trước những diễn biến tại các quốc gia khác chưa thỏa đáng. Ông Lowcok đề cập tới các cuộc thảo luận chưa có hồi kết tại Quốc hội Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng như thực tế lâu nay, các quốc gia vùng Vịnh không có đóng góp, đồng thời lưu ý nguy cơ Anh cắt giảm hỗ trợ cho LHQ.

Ông kêu gọi những quốc gia này khôi phục sự tham gia tích cực như 2 hoặc 3 năm trước. Ông Lowcock cũng mong muốn Trung Quốc sẽ dành một phần đáng kể trong khoản cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD cho các quốc gia nghèo hơn để phân bổ cho các nỗ lực hỗ trợ trực tiếp.

Đây là lần thứ 3, LHQ đưa ra lời kêu gọi ủng hộ cho quỹ phản ứng đại dịch mà cơ quan này triển khai từ tháng 3, với mức kêu gọi ban đầu là 2 tỷ USD. Với lời kêu gọi mới, tổng cộng nguồn vốn mà LHQ cần cho kế hoạch này là 10,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tính từ tháng 3 tới nay, LHQ mới nhận được 1,7 tỷ USD tiền ủng hộ.

Theo ước tính của LHQ và Đại học Oxford (Anh), đến tháng 12/2020, 121 triệu người trên thế giới chịu tác động của tình trạng mất an ninh lương thực nếu cộng đồng quốc tế không có những hành động cụ thể.

Nguy cơ sẽ xảy ra tình trạng bất ổn và xung đột tại các quốc gia như Liban, Senegal, Belize, Zambia, Zimbabwe và Burundi cũng là một hệ lụy khôn lường nếu các nước không hành động. Tại các quốc gia nghèo, thiệt hại về người có thể sẽ rất nghiêm trọng nếu virus không được khống chế, với khoảng 1,67 triệu người tại 30 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp có thể sẽ tử vong vì dịch bệnh.

Lê Ánh (TTXVN)
Dân số thế giới vào năm 2100 có thể ít hơn 2 tỷ người so với dự báo của LHQ
Dân số thế giới vào năm 2100 có thể ít hơn 2 tỷ người so với dự báo của LHQ

Đến năm 2100, Trái Đất sẽ là nơi trú ngụ của 8,8 tỷ người, ít hơn 2 tỷ người so với dự báo hiện nay của Liên hợp quốc (LHQ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN