Theo báo cáo của OCHA, khoảng một triệu trẻ em Somalia được dự đoán bị suy dinh dưỡng. Khoảng 2,6 triệu người sẽ phải di dời và gần một triệu học sinh phải ở nhà do các trường học bị đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19.
LHQ cho biết kể từ ngày 16/3/2020, sau khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được xác nhận tại Mogadishu, Somalia hứng chịu 3 mối đe dọa từ virus, lũ lụt và châu chấu sa mạc, khiến cho tình hình ở Somalia thêm trầm trọng, kéo dài cuộc khủng hoảng nhân đạo. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Somalia chủ yếu do hậu quả của biến đổi khí hậu, nhiều năm diễn ra xung đột, tình trạng đói nghèo lan rộng và tổn thương lâu dài đã khiến 5,2 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo vào năm 2020.
Theo OCHA, những cơn mưa kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 đã giảm bớt, nhưng tác động của các trận lũ lụt gần đây vẫn lan rộng. Khoảng 1,2 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi các trận lũ lụt nhiều địa phương trên khắp Somalia với gần nửa triệu người phải di dời. Trong khi hầu hết những người di dời đã quay trở về nhà, họ cần được hỗ trợ để xây dựng lại cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ có nguy cơ đối mặt một lần nữa với các trận lũ lụt khi các cơn mưa bắt đầu vào tháng 10 tới.
Theo OCHA, các cơ quan viện trợ nhân đạo lo ngại những cơn mưa sắp tới có thể làm gia tăng sự bùng phát các loại bệnh truyền nhiễm qua nguồn nước hiện tại, đặc biệt là các bệnh tiêu chảy cấp và dịch tả. Từ tháng 1 đến tháng 6/2020, hơn 4.430 người bị nhiễm bệnh, với 24 trường hợp tử vong được xác nhận tại 23 huyện, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.
LHQ cho biết kể từ ngày 16/3/2020, số ca mắc COVID-19 ở Somalia đã tăng lên gần 3.000 người. Điều này làm trầm trọng thêm các yếu kém từ trước, làm gián đoạn phát triển kinh tế-xã hội và ảnh hưởng đến sinh kế, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và các gia đình sống phụ thuộc vào nguồn kiều hối từ người thân sống ở nước ngoài. COVID-19 cũng khiến cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo tiến hành trong môi trường hạn chế hoặc nhân viên cứu trợ phải làm việc từ nhà.
LHQ khẳng định bất chấp những khó khăn, các cơ quan cứu trợ nhân đạo cố gắng mở rộng quy mô ứng phó với hậu quả của đại dịch COVID-19 và hỗ trợ chính phủ cũng như chính quyền các địa phương Somalia nhằm giảm thiểu sự lây lan và tác động của dịch bệnh.