EU 'quan ngại sâu sắc' về kế hoạch viện trợ của LHQ cho Syria

Ngày 12/7, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" việc Liên hợp quốc (LHQ) giảm điểm tiếp nhận hàng cứu trợ cho Syria xuống chỉ còn một cửa khẩu biên giới, thay vì 2 cửa khẩu như trước đây.

Chú thích ảnh
Người tị nạn Syria tại thị trấn Dana, đông bắc Syria ngày 23/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố chung, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh-đối ngoại Josep Borrell cùng Ủy viên EU về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho rằng việc cho phép nối lại viện trợ cho Syria thông qua một cửa khẩu duy nhất sẽ cản trở hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ. Tuyên bố nhấn mạnh, ở thời điểm mà nhu cầu cứu trợ ở Syria là rất lớn và trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, điều đáng tiếc hơn là cách giải quyết "thiếu tính xây dựng" của một số quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.

Trước đó, ngày 11/7, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết cho phép nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria, sau khi các bên nhượng bộ trước đề xuất của Nga về việc đóng cửa khẩu Bab al-Salam dẫn tới tỉnh Aleppo ở miền Bắc Syria. Theo đó, nghị quyết do Đức và Bỉ đề xuất cho phép viện trợ nhân đạo cho Syria kéo dài thêm một năm - đến ngày 10/7/2021 - và thông qua cửa khẩu Bab al-Hawa dẫn tới tỉnh Idlib.

Việc cấp phép vận chuyển cứu trợ tới Syria, thực thi từ năm 2014, đã hết hiệu lực vào đêm 10/7 sau khi Nga và Trung Quốc cùng ngày bác yêu cầu kéo dài hoạt động cứu trợ nhân đạo qua 2 cửa khẩu biên giới của Syria. Đáp lại, một số quốc gia thành viên khác trong HĐBA, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Bỉ, bác đề xuất của Nga về việc giảm điểm tiếp nhận hàng cứu trợ từ 2 cửa khẩu (đưa hàng cứu trợ tới Idlib và Aleppo) xuống chỉ còn một cửa khẩu (đưa hàng cứu trợ tới Idlib). Lý do mà Nga đưa ra là cửa khẩu Bab al-Hawa tiếp nhận tới 85% tổng sống hàng viện trợ tới Syria trong suốt thời gian qua.

Trong 6 năm qua, HĐBA LHQ hằng năm ra nghị quyết cấp phép vận chuyển cứu trợ cho Syria qua 4 cửa khẩu, gồm 2 cửa khẩu với Thổ Nhĩ Kỳ, một với Jordan và một với Iraq. Tuy nhiên từ tháng 1 vừa qua, HĐBA đồng ý chỉ cấp phép vận chuyển qua 2 cửa khẩu biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ với thời hạn 6 tháng mỗi lần. 

Nga và Trung Quốc lâu nay cho rằng việc LHQ triển khai các phái bộ cứu trợ tới Syria là sự vi phạm chủ quyền của nước này, đồng thời cho rằng Chính phủ Syria có thể đảm trách công tác phân phối hàng cứu trợ. Trong khi đó, các nước phương Tây bác bỏ điều này, nhấn mạnh hoạt động viện trợ xuyên biên giới là một lựa chọn tin cậy duy nhất và dòng hàng viện trợ nhân đạo sẽ đối mặt với nhiều cản trở nếu Damascus kiểm soát.

Phan An (TTXVN)
HĐBA vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria
HĐBA vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria

Ngày 10/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) một lần nữa không đạt được đồng thuận về việc gia hạn nghị quyết triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo ở biên giới Syria, cho dù nghị quyết đã chính thức hết hạn cùng ngày. Đây là lần thứ hai trong tuần này HĐBA không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN