Đây là con số do một nhóm nghiên cứu quốc tế đưa ra căn cứ chiều hướng tỷ lệ sinh giảm và dân số thế giới già hóa hiện nay.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet số ra ngày 14/7, theo đó, đến cuối thế kỷ này, 183 nước trong tổng số 195 quốc gia trên thế giới sẽ rơi vào tình trạng dân số giảm dưới ngưỡng thay thế cần thiết để duy trì đường ngang dân số. Hơn 20 nước, trong đó có Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc và Ba Lan, sẽ chứng kiến dân số giảm ít nhất một nửa. Trong 80 năm tới, dân số Trung Quốc cũng sẽ giảm ở mức tương đương, từ 1,4 tỷ dân hiện nay còn 730 triệu dân.
Trong khi đó, dân số tại khu vực châu Phi Nam Sahara sẽ tăng gấp 3 lần, lên khoảng 3 tỷ người, trong đó riêng dân số của Nigeria sẽ tăng lên gần 800 triệu người vào năm 2100, đứng thứ 2 thế giới sau Ấn Độ - nước được dự báo có 1,1 tỷ dân tại thời điểm đó.
Đề cập khía cạnh tích cực của viễn cảnh dân số giảm như trên, Chủ nghiệm nghiên cứu Christopher Murray - Giám đốc Viện thông kê và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) cho rằng môi trường sẽ được cải thiện khi lượng khí thải carbon giảm và hệ thống sản xuất lương thực được giảm tải, cùng với đó mang lại cơ hội kinh tế cho nhiều khu vực châu Phi Nam Sahara.
Theo ông, mặt trái của viễn cảnh này là hầu hết các nước ngoài khu vực châu Phi sẽ rơi vào tình trạng lực lượng lao động giảm và dân số sụt giảm theo hình tháp ngược, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với kinh tế. Đặc biệt, hệ thống dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe tại nhiều nước sẽ phải nâng cấp để đáp ứng tình hình dân số già hơn.
Nghiên cứu kết luận đối với những nước có thu nhập cao, các giải pháp tốt nhất để duy trì đường ngang dân số và tăng trưởng kinh tế là có các chính sách nhập cư linh hoạt và hỗ trợ xã hội đối với các gia đình muốn sinh nhiều con.
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh tiếp tục chiều hướng giảm, trong khi tuổi thọ dân số ngày càng tăng, nghiên cứu dự báo số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới sẽ giảm tới 40%, từ 618 triệu ghi nhận năm 2017 còn 401 triệu vào năm 2100. Đến năm 2100 sẽ có 2,37 tỷ người, tức khoảng 1/4 dân số , trên 65 tuổi. Số người trên 80 tuổi sẽ tăng từ 140 triệu hiện nay lên 866 triệu người.
Cũng trong nghiên cứu này, các chuyên gia quốc tế dự báo năm 2050 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, song sẽ quay trở lại vị trí thứ 2 vào năm 2100. Ấn Độ sẽ nhanh chóng vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới, trong khi Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh sẽ nằm trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hiện tại LHQ dự báo dân số thế giới sẽ tăng dần lên 8,5 tỷ người vào 2030, lên 9,7 tỷ vào năm 2050 và 10,9 tỷ vào năm 2100.