Nhân Ngày dân số thế giới 11/7: Đổi mới cách truyền thông để nâng chất lượng dân số

Đại dịch COVID-19 đã đặt nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ bùng nổ dân số với hàng trăm ngàn trường hợp mang thai ngoài ý muốn do lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh. Điều này khiến cho việc kiểm soát sinh sản gặp khó khăn. 

Chú thích ảnh
Tư vấn sức khỏe sinh sản cho người dân xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN

Tại Việt Nam, công tác dân số không phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ dân số do đại dịch nhưng cũng gây không ít khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp kiểm soát, điều chỉnh chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương. Để góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số cho phát triển đất nước, ngành dân số đặc biệt chú trọng đổi phương thức truyền thông để nâng cao chất lượng dân số với phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, để nâng cao chất lượng dân số, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa, giải trí, giáo dục, y tế… trong đó có cả công tác dân số chịu ảnh hưởng tiêu cực. Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2020 ở nhiều địa phương không được phát động trên diện rộng.

Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đã đặt ra, đội ngũ cán bộ dân số ở các địa phương đã chú trọng đổi mới phương thức truyền thông bằng cách đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như truyền thông qua mạng xã hội, website, tổ chức tuyên truyền theo từng xóm, từng tổ dân phố; truyền thông trực quan bằng pa nô, khẩu hiệu, áp phíc với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ...

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của 63 tỉnh, thành phố tích cực cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai tốt để sinh con khỏe mạnh. Đồng thời, các chi cục này cũng đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân các khu công nghiệp tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số.

Cơ quan chức năng đã đổi mới phương thức truyền thông để người dân thấy rõ rằng nâng cao chất lượng dân số là yếu tố cần thiết trong tình hình hiện nay, các địa phương cũng chú trọng đổi mới nội dung truyên truyền; duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả và xây dựng các mô hình truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, các địa phương còn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên dân số, y tế về các nội dung dân số và phát triển; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho trẻ vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người và các nhóm dân số đặc thù. 

Công tác truyền thông ưu tiên thực hiện tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng mức sinh thấp, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao với nội dung và hình thức phù hợp từng đối tượng, độ tuổi và khu vực… 

Tại Nghệ An - một trong những nơi có mức sinh cao nhất cả nước, để thực hiện tốt công tác dân số trong thời gian vừa qua, ngành dân số của địa phương đã chia các chiến dịch truyền thông thành hai đợt kéo dài, phát động theo 3 khu vực với 3 cụm chính tại các huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu và Tân Kỳ. Các huyện, xã không ra quân rầm rộ mà khi dịch bệnh được kiểm soát mới tổ chức các hoạt động nhỏ lẻ theo từng xóm, từng tổ để hạn chế tập trung đông người và thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia.

Tại các chương trình, người dân không chỉ được thăm, khám, cấp thuốc miễn phí mà còn được các bác sỹ hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc liên quan đến sức khỏe sinh sản và các căn bệnh thường gặp của phụ nữ. Đồng thời, các cán bộ dân số lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai vào các hoạt động của các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền phòng chống dịch COVID- 19. 

Cần Thơ là một trong những địa phương có mức sinh thấp nhưng vẫn tăng cường tuyên truyền và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh có dịch bệnh COVID -19. Các cơ sở y tế của thành phố tuyên truyền về tác hại của phá thai, giảm thiểu tình trạng có thai ngoài ý muốn, mất cân bằng giới tính khi sinh; cùng với truyền thông về bình đẳng giới, nêu cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội; tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện.

Trong điều kiện đặc biệt là cách ly toàn xã hội, hạn chế giao tiếp và tập trung đông người, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở các địa phương đã nỗ lực, sáng tạo để duy trì công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo mục tiêu về dân số. Đồng thời, các cán bộ, cộng tác viên ngành dân số cũng thể hiện trách nhiệm với xã hội, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Những việc làm này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản mà còn tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân một cách thuận lợi và kinh tế, góp phần ngăn ngừa sự bùng nổ dân số do không được đáp ứng về chăm sóc sức khỏe sinh sản như nhiều quốc gia trên thế giới.

Minh Huệ (TTXVN)
Đến năm 2025, 55% dân số Việt Nam tham gia thương mại điện tử
Đến năm 2025, 55% dân số Việt Nam tham gia thương mại điện tử

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 55% dân số mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng bình quân 600 USD/người/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN