Trong một tuyên bố chung, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc chuyển thực phẩm và hàng hóa đến khu vực Gaza bị phong tỏa phụ thuộc vào việc mở cửa những tuyến nhập cảnh mới vào vùng lãnh thổ này. Các cơ quan này nhấn mạnh việc sử dụng cảng Ashdod, nằm cách biên giới Gaza khoảng 40 km về phía Bắc, là "cực kỳ cần thiết” đối với các cơ quan viện trợ, đồng thời kêu gọi sự thay đổi cơ bản trong vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Theo tuyên bố trên, nếu được phép sử dụng cảng Ashdod, các cơ quan viện trợ sẽ vận chuyển được lượng hàng viện trợ lớn hơn, sau đó chuyển trực tiếp đến các khu vực phía Bắc của Gaza, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột và rất ít đoàn xe hiện có thể tiếp cận được.
Đầu tháng 1 này, bà Corinne Fleischer - Giám đốc khu vực của WFP, nhấn mạnh các cửa khẩu biên giới phía Bắc Gaza cần được mở để các cơ quan viện trợ thường xuyên tiếp cận khu vực vốn đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng. Bà cho rằng việc mở cửa khẩu Ashdod sẽ giúp cơ quan này giảm thời gian vận chuyển thực phẩm cho người dân Gaza từ phía Bắc.
Xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và lực lượng Israel kéo dài 100 ngày qua gây ra thảm họa nhân đạo tại Gaza. Khoảng 2,4 triệu dân tại vùng lãnh thổ này đang chật vật để tìm nguồn thực phẩm, nước uống, nhiên liệu và dịch vụ y tế. Mới đây, LHQ một lần nữa cảnh báo tình hình nhân đạo tồi tệ tại Dải Gaza khi các cuộc không kích vẫn tiếp diễn, gây thêm nhiều thương vong và hủy hoại không ít cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng.
Tháng 12/2023, chính quyền Israel cho phép vận chuyển tạm thời hàng viện trợ vào Gaza thông qua cửa khẩu phía Bắc Kerem Shalom, mở ra tuyến đường mới cho các đoàn xe viện trợ sau nhiều tuần cộng đồng quốc tế kêu gọi. Trước đó, cửa khẩu Kerem Shalom đóng cửa ngay sau khi xung đột bùng phát ngày 7/10/2023 và hàng viện trợ chỉ được chuyển qua cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập với Gaza.