Trước đó, ngày 13/10, Tổng thống Moreno và lãnh đạo các cộng đồng thổ dân đã nhất trí về một thỏa thuận giúp chấm dứt làn sóng biểu tình bạo lực kéo dài suốt 2 tuần qua. Theo đó, Chính phủ Ecuador đồng ý hủy bỏ luật chấm dứt trợ giá nhiên liệu và sẽ tìm ra một cơ chế trợ cấp mới giúp các nhóm người dễ bị tổn thương.
Bộ trưởng Năng lượng Ecuador Carlos Perez cho biết một trong những ưu tiên trước mắt của chính phủ nước này sẽ là khôi phục các hoạt động trong ngành dầu mỏ, vốn đã bị ngưng trệ tại một số khu vực sau khi những người biểu tình xông vào phá phách trong các nhà máy. Ông cho biết thêm quốc gia Nam Mỹ này đã ngừng sản xuất khoảng 2 triệu thùng dầu trong 2 tuần diễn ra biểu tình, khiến chính phủ mất nguồn thu hơn 100 triệu USD.
Bộ trưởng Perez dự đoán tình hình sẽ có thể trở lại bình thường sau khoảng 15 ngày nữa.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ecuador thông báo lệnh giới nghiêm tại thủ đô Quito đã được dỡ bỏ. Theo đó, người dân được tự do đi lại và nhịp sống dần trở lại bình thường ở thành phố này.
Lệnh giới nghiêm được Tổng thống Moreno ban bố, có hiệu lực từ ngày 12/10, sau khi bùng phát bạo lực trong các cuộc biểu tình ở thủ đô Quito, trong đó người biểu tình đã phóng hỏa một tòa nhà chính phủ.
Các tổ chức công đoàn và các cộng đồng thổ dân ở Ecuador đã tiến hành biểu tình tại 17/24 tỉnh của nước này từ đầu tháng này nhằm phản đối các biện pháp cải cách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ. Các biện pháp này, trong đó có chấm dứt chính sách trợ giá nhiên liệu, nhằm đáp ứng thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đổi lại khoản vay trị giá 4,2 tỷ USD. Việc chấm dứt trợ đã khiến giá xăng dầu tại Ecuador tăng vọt. Bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình đã làm ít nhất 10 người thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương và khoảng 100 người mất tích. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.100 đối tượng quá khích.