Lễ hội khoả thân Nhật Bản bị bỏ sau hơn 1.000 năm vì già hoá dân số

Lễ hội Sominsai được coi là một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời và kỳ lạ nhất ở Nhật Bản, nhưng giờ đây đã bị ảnh hưởng do tình trạng già hoá dân số của nước này.

Chú thích ảnh
Hàng nghìn người đàn ông Nhật Bản tham gia lễ hội khoả thân truyền thống Sominsai. Ảnh: AFP

Tối 17/2, hàng trăm người đàn ông khỏa thân cùng tranh giành một túi đựng lá bùa bằng gỗ tại đền Kokuseki, Iwate phía bắc Nhật Bản. Những tiếng hô vang đầy nhiệt huyết "jasso, joyasa" (có nghĩa là "ác quỷ, hãy biến đi") vang vọng khắp khu rừng tuyết tùng. Nhưng đây cũng là lần cuối cùng nghi lễ truyền thống nghìn năm tuổi Somisai diễn ra.

Việc tổ chức sự kiện thu hút hàng trăm người tham gia và hàng nghìn khách du lịch mỗi năm đã trở thành gánh nặng đối với những người dân lớn tuổi ở địa phương. Dân số già hoá nhanh chóng khiến cộng đồng này đã không còn đủ sức để cáng đáng các hoạt động của nghi lễ.

 Trong lễ hội Sominsai, những người đàn ông đóng khố tranh giành chiếc túi "somin-bukuro" đựng lá bùa, để mong cầu mùa màng bội thu và sức khỏe tốt.

Daigo Fujinami, một tu sĩ tại đền Kokuseki cho biết: "Rất khó để tổ chức một lễ hội quy mô như thế này. Bạn có thể nhìn thấy rất nhiều người có mặt ở đây và mọi chuyện đều rất thú vị, nhưng đằng sau hậu trường, có rất nhiều nghi lễ và rất nhiều công việc phải làm. Vì vậy tôi không thể phớt lờ trước thực tế khó khăn này".

Xã hội Nhật Bản đã già đi nhanh hơn hầu hết các nước khác. Xu hướng này đã buộc vô số trường học, cửa hàng và dịch vụ phải đóng cửa, đặc biệt là ở các cộng đồng nhỏ hoặc nông thôn.

Lễ hội Sominsai của chùa Kokuseki thường diễn ra từ ngày mùng 7 Tết Nguyên đán cho đến sáng hôm sau. Nhưng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nó được thu nhỏ lại thành các buổi cầu nguyện và các nghi lễ nhỏ hơn.

Người dân địa phương cho biết, lễ hội cuối cùng năm nay chỉ là một phiên bản rút gọn và kết thúc vào khoảng 11 giờ đêm, nhưng nó đã thu hút đám đông lớn nhất trong từ trước đến nay.

Toshiaki Kikuchi, một người dân địa phương đã nhận được những lá bùa và là người đã tham gia tổ chức lễ hội trong nhiều năm nói rằng ông hy vọng nghi lễ này sẽ quay trở lại trong tương lai.

"Tôi hy vọng truyền thống này sẽ được duy trì, dù có là dưới một hình thức khác", ông nói sau lễ hội.

Nhiều người tham gia và du khách cũng bày tỏ tiếc nuối và cảm thông khi lễ hội truyền thống nghìn năm tuổi bị xoá bỏ.

Yasuo Nishimura (49 tuổi), du khách đến từ Osaka, nói với AFP: "Đây là lễ hội lớn cuối cùng hơn 1.000 năm tuổi, tôi thực sự muốn tham gia".

Các đền chùa khác trên khắp Nhật Bản tiếp tục tổ chức các lễ hội tương tự và một số nơi cũng điều chỉnh các quy tắc phù hợp chuẩn mực xã hội để có thể tiếp tục tồn tại, chẳng hạn như cho phép phụ nữ tham gia các nghi lễ trước đây chỉ dành cho nam giới.

Từ năm tới, Đền Kokuseki sẽ thay thế lễ hội bằng các nghi lễ cầu nguyện và những cách khác để tiếp tục các hoạt động tâm linh.

Yasuo Nishimura cũng nói thêm: "Nhật Bản đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm, dân số già và thiếu người trẻ để tiếp tục tham gia vào nhiều hoạt động, vì thế có lẽ khó có thể duy trì như xưa".

Trần Trang/Báo Tin tức (Theo AFP)
Nhật Bản: Già hóa dân số làm tăng chi phí chăm sóc điều dưỡng
Nhật Bản: Già hóa dân số làm tăng chi phí chăm sóc điều dưỡng

Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, với xu hướng già hóa dân số tại nước này tiếp tục diễn ra, chi phí chăm sóc điều dưỡng bình quân đầu người hàng năm ước tính sẽ lên tới 235.000 yen (1.557 USD) vào năm 2050, tăng 75% so với mức của năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN